Loạt bài phản ánh việc một "tập đoàn" xe tải chở bùn thải chứa hóa chất lén lút đổ xuống sông Hồng được báo điện tử Người Đưa Tin phản ánh đã nhận được sự quan tâm của dư luận.
Để làm rõ hơn các tình tiết vi phạm theo quy định pháp luật, PV đã trao đổi cùng luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc công ty Luật Minh Bạch (Đoàn LS TP.Hà Nội). Theo LS Tuấn Anh, cần làm rõ chất thải do xe tải kia đổ ra sông thuộc loại gì theo quy định của pháp luật. Sau đó, tùy vào mức độ hành vi (có sự lặp đi lặp lại nhiều lần hay không, lượng chất thải là bao nhiêu) để áp dụng các điều khoản quy định và có những chế tài thích hợp nhằm xử lý một cách đúng đắn, quyết liệt.
LS Tuấn Anh nhận định: “Có thể nói, hành vi trên đã vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Cụ thể, tại khoản 5 điều 7 Luật bảo vệ Môi trường 2014, những hành vi bị nghiêm cấm gồm: Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí”.
Căn cứ quy định pháp luật, hành vi lén lút đổ bùn thải chứa hóa chất nguy hại gây ô nhiễm cho sông Hồng là vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, mức phạt được áp dụng thấp nhất là 50 triệu đồng và cao nhất là 1 tỷ đồng và có thể áp dụng các hình thức phạt bổ sung.
Luật sư Tuấn Anh nêu quan điểm: “Qua sự việc Formosa, chắc hẳn mỗi người dân đều vô cùng bức xúc trước hành vi hủy hoại môi trường biển nghiêm trọng của các chủ thể. Mặc dù chế tài xử lý mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính nhưng đã phần nào thể hiện tính răn đe”.
Với việc lén lút đổ thải ra sông Hồng, các cơ quan có thẩm quyền cần xử lý nghiêm khắc. Nhất là nếu có sự bảo kê của cá nhân hay tổ chức quyền lực nào đó thì càng phải làm cho triệt để. Cần thiết phải đưa ra xử lý hình sự. Như vậy sẽ tăng thêm tính răn đe hơn cho mọi người”.
Cũng trao đổi thêm với PV, luật sư Bùi Đình Ứng – Trưởng văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nhấn mạnh: “Sự việc này mới có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Khi sự thật này được phơi bày sẽ là điều rất đáng ngại”.
Theo phân tích của LS Ứng, đáng ngại ở chỗ, những chất thải ấy không chỉ bức tử sông Hồng mà còn bức tử nhiều người. Đó là chưa kể sự “tinh vi” trong việc đổ chất thải ra sông Hồng của doanh nghiệp.
Luật sư đặt nghi vấn về tấm “bình phong” đang giúp những chiếc xe có trọng tải lớn như thế có thể hoạt động suốt một thời gian dài mà không bị “sờ gáy”. “Không thể có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”.
Vai trò của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, chính quyền địa phương... ở đâu trong sự việc này? Các cơ quan chức năng không can thiệp công việc sản xuất kinh doanh của họ nhưng phải kiểm tra, giám sát nếu có dấu hiệu vi phạm”, luật sư Ứng nhấn mạnh.
Đồng thời, luật sư Ứng cũng đề nghị các cấp lãnh đạo cần nhanh chóng vào cuộc, tiến hành kiểm tra, làm rõ sự việc mà báo chí phản ánh.
Theo quy định tại khoản 7, 8, 9, 10 Điều 23, Nghị định 179/2013/NĐ-CP, hành vi chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại không đúng quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 50.000.000 - 800.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại tùy số lượng. Phạt tiền từ 900.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với các hành vi chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại thuộc Danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) theo quy định tại Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy ra môi trường không đúng quy định hoặc chôn lấp, đổ, thải chất thải phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép quản lý chất thải nguy hại từ 1 – 24 tháng tùy trường hợp vi phạm. Ngoài ra, có thể tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 7 và Khoản 8 Điều này. |
Nguyễn Huệ - Nhất Nam