Tin từ công an tỉnh Thái Bình cho hay, Viết là nghi can duy nhất cầm súng xông vào phòng làm việc bắn 5 cán bộ thuộc Ban giải phóng mặt bằng (Phòng quản lý đất đai thành phố Thái Bình). Đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện có dấu hiệu đồng phạm, cũng như người giúp sức hoặc nghi can khác thực hiện hành vi phạm tội.
Trao đổi về vấn đề này, luật gia Giang Văn Quyết, thuộc Hội luật gia Hà Nội cho biết: "Trường hợp nếu người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết mà vụ án không có đồng phạm thì cơ quan điều tra có quyền ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án và đình chỉ điều tra.
Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định rõ tại điều 107 về việc không được khởi tố vụ án Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết. Sau khi hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định tại điều 164 Bộ luật tố tụng hình sự".
Ở một khía cạnh khác, thông tin từ gia đình nghi can Đặng Ngọc Viết cho hay: Trước khi vào UBND nổ súng bắn chết 1 người và làm 4 người khác bị thương, Đặng Ngọc Viết đã chuẩn bị sẵn di ảnh cho mình.
Luật gia Giang Văn Quyết chia sẻ: “Xét về mặt tâm lý tội phạm thì nghi can giết người tại UBND thành phố Thái Bình đã chuẩn bị sẵn tâm lý nổ súng rồi chết, tức là đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng và phạm tội đến cùng. Vụ việc mặc dù đang được cơ quan điều tra xác minh làm rõ, nhưng chắc chắn ở đây tiềm ẩn một mâu thuẫn “gay gắt” chứ không thể tự nhiên mà nghi can lại làm vậy. Đây không phải là một hành động bột phát.”
Cơ quan công an kiểm tra hiện trường.
“Việc nghi can tự sát chứng tỏ nghi can biết trước không thể thoát được sự truy xét của pháp luật và cũng lường trước được với hành vi của mình sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên có thể giữa người gây án và nạn nhân không có mối tư thù riêng, hành động của nghi can xuất phát từ vấn đề liên quan đến công việc mà nạn nhân thực hiện”, luật gia Giang Văn Quyết phân tích thêm.
Trước đó, khoảng 13 giờ 50 phút ngày 11/9, đối tượng Đặng Ngọc Viết đã xông vào trụ sở UBND TP Thái Bình bắn bị thương 5 cán bộ tại Trung tâm phát triển quỹ đất TP Thái Bình (văn phòng tại tầng 1, trụ sở UBND TP Thái Bình, đường Trần Phú, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình). Cụ thể, nạn nhân Vũ Ngọc Dũng, sinh năm 1962 – phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố - bị bắn vào đầu. Nguyễn Thanh Dương, sinh năm 1975 – Cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố – bị bắn vào mắt phải. Vũ Công Cương, sinh năm 1990 – Cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố – bị bắn vào đầu. Bùi Đức Xuân, sinh năm 1975 – Cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố – bị bắn vào đầu. Phạm Thị Lan Anh, sinh năm 1977 - phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố - bị bắn sượt qua mang tai phải. Những người bị thương đã được đưa đi các bệnh viện để cấp cứu kịp thời. Hiện Nguyễn Thanh Dương đang được điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung Ương, nạn nhân Vũ Công Cương và Bùi Đức Xuân được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình.
Theo một cán bộ thuộc UBND TP Thái Bình cho biết, nguyên nhân ban đầu dẫn tới vụ việc có liên quan đến vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án ở Kỳ Bá. Bản thân cán bộ trong trung tâm không có mâu thuẫn cá nhân với Đặng Ngọc Viết. Theo vị này cho biết, khi triển khai dự án trên, Đặng Ngọc Viết đã đồng ý phương án đền bù tái định cư nhưng sau đó lại đòi chuyển sang phương án nhận tiền mặt dẫn tới mâu thuẫn.
Điều 164. Đình chỉ điều tra 1. Trong trường hợp đình chỉ điều tra, bản kết luận điều tra nêu rõ quá trình điều tra, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra. 2. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra trong những trường hợp sau đây: a) Có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật này hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật hình sự; b) Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm. 3. Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, trả lại đồ vật, tài liệu đã tạm giữ, nếu có và những vấn đề khác có liên quan. Nếu trong một vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả các bị can, thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can. 4. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra; nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố. Thời hạn ra quyết định truy tố được thực hiện theo quy định tại Điều 166 của Bộ luật này. Bộ luật tố tụng hình sự |
Băng Tâm