Vụ xâm hại trẻ tại Hà Nội được cử tri phản ánh tới Quốc hội

Vụ xâm hại trẻ tại Hà Nội được cử tri phản ánh tới Quốc hội

Dương Thu

Dương Thu

Thứ 5, 25/03/2021 13:42

Vụ xâm hại trẻ em tại quận Hà Đông, Hà Nội vào tháng 2/2021; vụ nữ sinh 12 tuổi bị hai thiếu niên thay nhau khống chế hiếp dâm ở Nghệ An... khiến cử tri lo lắng.

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày trước Quốc hội sáng 25/3 có nhiều nội dung đáng chú ý.

Bên cạnh kết quả Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cử tri quan tâm nhiều đến các lĩnh vực của đời sống xã hội như văn hóa, giáo dục, y tế...

Nhiều dự án trọng điểm quốc gia đã được khởi công xây dựng như: Sân bay Long Thành; dự án cao tốc Bắc-Nam; các dự án giao thông miền Tây nam bộ... đã củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân vào Chính phủ với những quyết sách quyết liệt. 

Cử tri và nhân dân đánh giá cao lực lượng công an, các cơ quan tư pháp và chính quyền các cấp về những kết quả trong phòng, chống, đấu tranh, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; quyết liệt trong xử lý các đối tượng, băng nhóm tội phạm, buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tội phạm công nghệ cao. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn lo lắng, bức xúc về tình trạng cướp giật, tín dụng đen, lừa đảo; đánh bạc qua mạng, cho vay nặng lãi; khai thác tài nguyên trái phép.

Các vụ việc được nhắc đến về thực trạng khiến cử tri lo lắng như: Công an tỉnh Quảng Ninh vừa triệt phá, bắt giữ vụ tổ chức khai thác than trái phép trị giá khoảng 200 tỷ đồng tại các khai trường thuộc quản lý của công ty than Hạ Long - TKV tại phường Quang Hanh, TP.Cẩm Phả; cơ quan CSĐT bộ Công an vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 4 đối tượng là Phạm Xuân Hưởng (cầm đầu), Bùi Ngọc Huy, Nguyễn Văn Bắc, Phạm Minh Tuấn về tội: “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” do tổ chức khai thác cát trái phép tại khu vực cửa biển Cửa Đáy, tỉnh Ninh Bình; Công an huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) bắt quả tang ông Hồ Ngọc Thạch (63 tuổi, trú xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam) đang khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực thôn Lập Phước, xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam....

Sự kiện - Vụ xâm hại trẻ tại Hà Nội được cử tri phản ánh tới Quốc hội

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo trước Quốc hội.

Cử tri quan tâm đến tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng bởi rất nhiều sự việc đã được lực lượng công an xử lý. Ví dụ như cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai vừa ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Lê Thanh Trung, là đối tượng chuyên mua bán hóa đơn giả để tiêu thụ xăng giả trong chuyên án 920G về buôn lậu, sản xuất hàng triệu lít xăng giả do Phan Thanh Hữu cầm đầu; C03 bộ Công An phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ hàng trăm tấn hàng lậu tại Quảng Ninh; từ ngày 16/12/2020 dến 15/1/2021 toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ tổng cộng 803 vụ việc vi phạm với số tiền khoảng hơn 500 tỷ đồng...

Tình trạng xâm hại phụ nữ và trẻ em còn xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong nhân dân cũng khiến cử tri và nhân dân lo lắng. Đơn cử như vụ việc xâm hại trẻ em tại quận Hà Đông, Hà Nội vào tháng 2/2021; vụ nữ sinh 12 tuổi bị hai thiếu niên thay nhau khống chế hiếp dâm ở Nghệ An; vụ công nhân máy xúc hiếp dâm con gái chủ nhà tại Bắc Kạn; ngày 26/2/2021, cục Cảnh sát hình sự (C02, bộ Công an) đã phối hợp với Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội), Công an tỉnh Cao Bằng và các đơn vị nghiệp vụ của bộ Công an triệt phá một đường dây mua bán trẻ sơ sinh với quy mô lớn sang Trung Quốc...

Về công tác đối ngoại, cử tri và nhân dân đánh giá cao những kết quả toàn diện trong công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước  và đối ngoại nhân dân. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác đối ngoại đã được điều chỉnh linh hoạt, hiệu quả. Quan hệ hợp tác với các nước, các đối tác quan trọng tiếp tục được củng cố. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.

Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam chủ động dẫn dắt, điều phối ASEAN vượt qua nhiều thách thức, ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19; linh hoạt tổ chức trực tuyến thành công nhiều hội nghị, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và 37 cùng các hội nghị với các đối tác đối thoại chủ chốt...; Việt Nam cũng đã lần đầu tiên đề xuất và thúc đẩy nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh với số nước đồng bảo trợ kỷ lục 112 nước; tham gia của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ tiếp tục được tăng cường. Nhiều sáng kiến, đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, khu vực khác như ASEM, APEC, G20, WEF, các cơ chế Tiểu vùng Mekong… được các nước ủng hộ, đánh giá cao.

Tính đến hết tháng 2/2021, Quốc hội Khóa XIV đã xây dựng và ban hành 72 luật, 18 nghị quyết quy phạm pháp luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã ban hành 2 Pháp lệnh và 23 nghị quyết quy phạm pháp luật trong đó có nhiều luật quan trọng, làm nền tảng trong hệ thống pháp luật...

Đây là những kết quả về hoạt động của bộ máy Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Quốc hội khóa XIV đã có nhiều đổi mới trong hoạt động; nâng cao hiệu quả công tác giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; hoạt động chất vấn và tranh luận tại các phiên họp được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Sự quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo, chủ động trong lãnh đạo, điều hành của Chính phủ đã góp phần quan trọng vào ổn định nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; phát triển văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại. Việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của các cơ quan tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Cử tri và nhân dân mong muốn việc xây dựng chính sách pháp luật phải tiếp tục được đổi mới, tránh chồng chéo; cần lấy ý kiến góp ý và tiếp thu phản biện thiết thực hơn. Cử tri và nhân dân cho rằng, việc thực hiện một số chính sách còn chậm, nhất là vấn đề lao động, việc làm. Còn những hạn chế trong thực hiện các chương trình giảm nghèo vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; bảo hiểm xã hội, an toàn lao động; chất lượng khám chữa bệnh và vệ sinh, an toàn thực phẩm. Một số công chức, viên chức còn quan liêu, hiệu quả làm việc thấp. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng, đáp ứng đầy đủ hơn yêu cầu phát triển của đất nước.

Đây là những nội dung đáng chú ý trong tổng số 2.278 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các thành viên của Mặt trận gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.