Vừa qua, Công an thành phố Cần Thơ cho biết đã xác định được người đăng tải loạt hình ảnh xe mô hình có gắn biển sổ xanh của Cần Thơ cùng dõng chữ “Sắp có biến lớn rồi…” là Nguyễn Thành Đại (SN 1993, Kim Sơn, Ninh Bình). Trước khi thu hút sự chú ý của các thành viên tham gia diễn đàn nổi tiếng Otofun, những bức ảnh được Đại tải về từ một diễn đàn chuyên giới thiệu, bàn luận về mô hình tĩnh.
Tại buổi làm việc với cơ quan công an, Đại thừa nhận mục đích đăng lại ảnh là “làm cho vui, câu like bạn bè”. Công an thành phố Cần Thơ đã đề nghị Công an tỉnh Ninh Bình phối hợp Thanh tra Sở TT& TT tỉnh Ninh Bình xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Thành Đại về hành vi sai phạm này.
Có luật sư cho rằng “hành vi này không có tính nghiêm trọng để đến mức phải áp dụng một chế tài pháp luật đối với các thanh niên liên quan” và “chỉ có thể xử phạt tờ báo đăng tin” mà không kiểm chứng.
Việc một cơ quan báo chí vội vàng đăng tải thông tin trên mà không xác minh, kiểm chứng là cái sai không thể chối cãi. Bản thân tờ báo này (sau khi gỡ bài) cũng vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ cư dân mạng và sự quay lưng của không ít độc giả trung thành. Điều này cũng phản ánh nguyện vọng bất biến của độc giả về sự minh bạch và thông tin được kiểm chứng trong môi trường truyền thông hiện đại.
Song, cần rạch ròi chuyện xử lý tờ báo đăng tin về “dàn siêu xe dưới gầm giường” với việc truy cứu trách nhiệm của người đăng ảnh kèm theo dòng chú thích mập mờ, khiến người xem hiểu nhầm rằng đó thực sự là những chiếc xe công “xịn”.
Rõ ràng, luật pháp không cấm việc dán biển màu xanh vào xe mô hình, càng không cấm việc chụp ảnh xe mô hình (giống thật 100%) rồi đăng lên mạng xã hội. Chính vì điều này, mà người dùng đăng tải loạt hình ảnh về 4 chiếc xe biển xanh mang các nhãn hiệu Lamborghini, Bentley… lên câu lạc bộ mô hình tĩnh không bị xử phạt.
Trái lại, nếu việc câu like gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến công tác quản lý hành chính và trật tự xã hội tại địa phương thì buộc phải áp dụng chế tài pháp luật để xử lý.
Mạng là ảo nhưng ảnh hưởng của nó tới đời sống thường nhật là có thực. Nếu là một người dùng mạng xã hội thường xuyên, hẳn bạn vẫn chưa quên chuyện một nữ sinh viên trường đại học Kinh tế Quốc dân đã từng khốn đốn như thế nào khi bị tưởng nhầm là tú bà cầm đầu đường dây bán dâm ngàn đô vừa sa lưới. Nguyên nhân gây ra sự hiểu nhầm tai hại bao gồm gương mặt, năm sinh và họ tên của hai cô gái.
Xinh xắn, giỏi giang, được nhiều người quý mến nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để cô sinh viên Nguyễn Thị Hảo ngăn được tin đồn thất thiệt về chính mình lan tỏa với vận tốc chóng mặt trên mạng xã hội. Đến thời điểm hiện tại đây vẫn là câu hỏi không có lời đáp và nạn nhân trong vụ việc ồn ào này cũng không thể “bắt đền” tất cả những người đem thanh danh của cô ra làm mồi câu like, câu share nơi mạng ảo.
Trương Chi
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả