Trong buổi chiều ngày thứ 3 phiên xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương và 2 bị cáo liên quan đến sự cố y khoa làm 8 người chết tại bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, thông tin về việc ký hợp đồng giữa phía bệnh viện và công ty Thiên Sơn cũng được nhiều luật sư tập trung hỏi các bị cáo cũng như người liên quan để làm rõ.
Ông Đỗ Đình Vận, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình cho biết, bệnh viện thực hiện việc xã hội hóa trong chạy thận từ năm 2010. Thực chất của việc xã hội hóa này là liên kết kinh doanh trong việc chạy thận.
Tại thời điểm đó, theo lời ông Vận, ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình không thông báo cho ông Vận được biết các thông tin chi tiết trong hợp đồng giữa bệnh viện và công ty Thiên Sơn nên ông không biết cụ thể các chi tiết trong hợp đồng.
Luật sư Hoàng Ngọc Biên (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) công bố nội dung ghi trong hồ sơ, trong đó có tỷ lệ ăn chia giữa bệnh viện và công ty Thiên Sơn: “Thiên Sơn hưởng 90% tổng doanh thu trong tháng, bệnh viện hưởng 10% tổng doanh thu của tháng, số tiền này bệnh viện chi cho chi phí điện nước, ấn phẩm, phụ phí thủ thuật”.
Trả lời trước HĐXX, ông Vận cho biết chỉ nắm được chủ trương xã hội hóa, còn tỷ lệ phần trăm như thế nào ông không nắm được. Ông cũng không nắm được số tiền bên công ty Thiên Sơn sẽ nhận là 7,7 USD/ca chạy thận.
Cũng trong ngày hôm nay, nhiều luật sư muốn đặt câu hỏi với luật sư đại diện theo ủy quyền của ông Trương Quý Dương, nguyên GĐ BVĐK Hòa Bình nhưng vị này vắng mặt không có lý do.
Cũng trong phần xét hỏi chiều nay, luật sư Nguyễn Danh Huế đề nghị được đưa ra câu hỏi với điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa.
Ông Huế hỏi rằng, ngày 8/1/2018, Công an tỉnh Hòa Bình có gửi một công văn sang sở KH&ĐT tỉnh Hòa Bình, trong đó Công an tỉnh có ý kiến khẳng định việc chuyển nhượng thầu 100% giữa công ty CP dược phẩm Thiên Sơn sang cho công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh đã vi phạm quy định của luật Đấu thầu. Tuy nhiên, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình chỉ có kiến nghị tới sở KH&ĐT cấm đấu thầu đối với công ty Thiên Sơn, còn về xử lý hình sự thì chưa đủ hoặc chưa xem xét. Điều này là căn cứ vào đâu?
Luật sư Huế vừa kết thúc câu hỏi, chủ tọa phiên tòa cho rằng việc ký biên bản là thẩm quyền của thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan CSĐT, không thuộc thẩm quyền của điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa, nên không thể trả lời.
Trong buổi chiều ngày hôm nay, 2 điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng và Đỗ Thị Điệp cũng được xét hỏi.
Điều dưỡng viên Hằng cho biết, không nhận được quyết định nào phải kiểm tra thiết bị y tế trước khi đưa vào sử dụng. Không có quy định nào phải kiểm tra lại vật tư trước khi sử dụng. "Sáng 29/5, tôi có gặp Quốc khi một số máy đã vận hành, một số máy đã lắp vào bệnh nhân, rửa quả lọc thận theo quy trình 7-10 phút. Khi gặp Sơn thì bị cáo nói các chị cho chạy máy rồi à. Tôi mới hỏi: Em lên lấy nước xét nghiệm ạ, sau đó Sơn bảo thôi để đến trưa. Lúc đó, tôi thấy máy không có dấu hiệu và cũng không nhận được cảnh báo gì từ Sơn.
Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ phải chờ mẫu xét nghiệm nước và không biết các kỹ sư lấy nước xét nghiệm khi nào. Tôi không biết tiêu chuẩn AAMI là gì", chị Hằng trả lời.
Điều dưỡng viên Điệp cho biết, tại một số bản cung chị khai bác sĩ Lương là người được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo là do lãnh đạo phân công trong buổi họp cuối năm được ghi trong sổ biên bản. Tuy nhiên ngày hôm đó, chị không có mặt hết thời gian buổi họp nên sau đó đã khai theo trên cơ sở được xem quyển sổ giao ban do cơ quan điều tra cho xem qua ảnh chụp màn hình. "Hôm đó, tôi không được dự đến cuối buổi họp.
Trong lời khai về cuộc họp hôm đó, điều tra viên Thảo đưa cho xem nên tôi thấy quyển sổ giao ban ghi vậy và tôi ghi như vậy", chị Điệp nói.