Vụ XKLĐ "chui" giữa dịch Covid-19: Lãnh sự Việt Nam tại Bờ Biển Ngà lên tiếng

Vụ XKLĐ "chui" giữa dịch Covid-19: Lãnh sự Việt Nam tại Bờ Biển Ngà lên tiếng

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Chủ nhật, 30/08/2020 12:47

Liên quan đến nghi vấn 5 người lao động (NLĐ) ở Nghệ An, Hà Tĩnh bị lừa đi lao động xuất khẩu giữa thời điểm dịch Covid-19 rồi bị bỏ rơi 4 tháng không việc làm ở Bờ Biển Ngà, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Lệ Uyên Phương - Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Bờ Biển Ngà để xác minh tình trạng của nhóm NLĐ trong thời gian ở đất nước châu Phi này.

Kỳ 3: CUỘC SỐNG CỦA NHÓM NLĐ Ở NGHỆ AN, HÀ TĨNH RẤT CỰC KHỔ

Tạp chí Người Đưa Tin pháp luật đã có hai bài viết về vụ nhóm 5 NLĐ tại Nghệ An, Hà Tĩnh "tố" công ty VIETKITE và cá nhân ông Nguyễn Phạm Đềm nhận tiền để đưa họ đi XKLĐ sang Bờ Biển Ngà làm công việc đổ bê-tông, lắp cốt-pha nhưng lại bỏ rơi họ suốt 4 tháng thất nghiệp, đói khát bệnh tật nơi đất khách.

Đó là các bài "Bị đưa đi XKLĐ "chui" giữa dịch Covid-19, 5 công dân Việt Nam “mắc kẹt” 4 tháng ở Bờ Biển Ngà"  (xuất bản ngày 28/8/2020) và bài Có hay không đường dây XKLĐ "chui" bỏ rơi 5 công dân Việt 4 tháng ở Bờ Biển Ngà giữa dịch Covid-19? (xuất bản ngày 29/8/2020).

Để xác minh tình trạng của nhóm NLĐ nói trên trong thời gian ở nước bạn, chúng tôi đã kết nối với bà Nguyễn Lệ Uyên Phương - Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Bờ Biển Ngà. 

Tin nhanh - Vụ XKLĐ 'chui' giữa dịch Covid-19: Lãnh sự Việt Nam tại Bờ Biển Ngà lên tiếng

Bà Nguyễn Lệ Uyên Phương

PV: Xin bà giới thiệu đôi nét về bản thân!

Bà Nguyễn Lệ Uyên Phương: Tôi vốn là một doanh nhân Việt Nam, sống ở đất nước Bờ Biển Ngà cùng với gia đình đã 17 năm nay. Chồng tôi là một Việt kiều mang quốc tịch Hà Lan, công tác ở Bờ Biển Ngà. Hiện tại tôi có công ty kinh doanh Cacao, cà phê và hạt điều. Bên cạnh đó, tôi cũng có nhà máy sản xuất hạt điều ở đây và có xuất khẩu về Việt Nam.

Tháng 11/2019, tôi chính thức nhậm chức Lãnh dự danh dự nước Việt Nam tại Bờ Biển Ngà, nhiệm kỳ 03 năm.Đây là một vị trí nhân sự ngành Ngoại giao kiêm nhiệm, thuộc quyền quản lý của Đại sứ quán Việt Nam tại cộng hòa Ma-rốc. Một trong những trách nhiệm của tôi là bảo hộ công dân Việt Nam hiện đang sinh sống, công tác tại Bờ Biển Ngà.

PV: Bà có thể chia sẻ về việc tiếp xúc nhóm 5 NLĐ ở Nghệ An, Hà Tĩnh sang Bờ Biển Ngà hôm 16/3/2020 không? Tình trạng của họ khi đó như thế nào? Bà đã giúp đỡ họ những gì để trở về nước an toàn?

Bà Nguyễn Lệ Uyên Phương: Ở Bờ Biển Ngà, để tiện thông tin, liên lạc và hỗ trợ kịp thời công dân Việt Nam, tôi có lập một nhóm chia sẻ thông tin trên mạng xã hội Whatsaap. Trong nhóm đó có em Hiền, vợ em Hà – là người đón năm NLĐ trên từ Việt Nam sang. Thời gian cnhững NLĐ này bị sốt rét, cuộc sống khó khăn, em Hiền có lên nhóm yêu cầu giúp đỡ. Tôi đã vận động cộng đồng người Việt ở đó quyên góp và hỗ trợ họ một phần nhỏ về viện phí và thực phẩm.

Tôi không rõ họ được đưa sang đây bằng cách nào, có hợp pháp hay không, nhưng tình trạng của họ khi đó rất khó khăn thiếu thốn.

Sau khi có thông tin chuyến bay đón người Việt từ Châu Phi về nước được duyệt, dưới sự chỉ đạo của Đại sứ Đặng Thị Thu Hà và cùng với sự phối hợp của đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc, tôi đã thông tin và hỗ trợ 73 công dân Việt Nam di chuyển từ Bờ Biển Ngà đến sân bay ở Paris. Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cũng cử cán bộ trực tiếp ra sân bay hỗ trợ công dân đến quá cảnh tại Pháp hoàn thành các thủ tục cần thiết trước khi lên máy bay về nước.

PV: Bà nhận định như thế nào về đất nước Bờ Biển Ngà? Người Việt sinh sống ở đó có đông không? Họ làm những công việc gì và chất lượng cuộc sống ra sao?

Bà Nguyễn Lệ Uyên Phương: Bờ Biển Ngà thực sự là một đất nước rất đáng sống ở châu Phi. Họ chỉ có khoảng 20 triệu dân, trong đó người Việt có khoảng 150 – 200 người. Những người Việt sống lâu dài ở đây chủ yếu làm nhà hàng, rửa ảnh hoặc những công việc liên quan đến sản xuất và phân phối hạt điều. Hàng năm có một lượng lao động xuất khẩu đến từ Việt Nam, sang làm công việc kiểm hàng điều thô, nhưng chỉ làm thời vụ từ tháng 3 đến tháng 8, tháng 9 là hết hợp đồng. Nhìn chung tôi thấy cộng đồng người Việt ở đây có cuộc sống khá ổn định và đoàn kết. Sở dĩ tôi làm được một số việc gắn kết cộng đồng người Việt ở đây là bởi vì họ rất bao bọc nhau.

PV: Xin cảm ơn bà

Trách nhiêm thuộc về ai?

Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin pháp luật, công ty Cổ phần Giáo dục và Du lịch VIETKITE có trụ sở tại tầng 6, tòa nhà Việt Á (phố Duy Tân, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy) và địa chỉ văn phòng tại tầng 3, nhà B6A, khu đô thị Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Công ty này hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0102718865, do sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp ngày 10/4/2008.

Ngoài hai địa chỉ nói trên, công ty còn có hai văn phòng đại diện tại Phú Xuyên (Hà Nội), Xuân Trường (Nam Định) và hai chi nhánh tại Nghệ An và Lâm Đồng.

Tin nhanh - Vụ XKLĐ 'chui' giữa dịch Covid-19: Lãnh sự Việt Nam tại Bờ Biển Ngà lên tiếng (Hình 2).

Văn phòng công ty VIETKITE tại tầng 3, nhà B6A, khu đô thị Nam Trung Yên, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội và ông Nguyễn Phạm Đềm - người được cho là đóng vai trò chính trong vụ XKLĐ tai tiếng này.

Đáng chú ý, trong danh mục ngành nghề đăng ký kinh doanh của công ty này thì lĩnh vực kinh doanh chính là du lịch và du học, không hề được cấp phép hoạt động XKLĐ.

Như vậy, công ty VIETKITE không có chức năng XKLĐ, Chủ tịch công ty này cũng khẳng định không hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ. Công ty ABC thì có chức năng XKLĐ nhưng không hoạt động ở thị trường Bờ Biển Ngà. Vậy không hiểu vì lý do gì nhóm người trên lại đưa 5 NLĐ đi sang Bờ Biển Ngà để lao động xuất khẩu? Phải chăng họ tổ chức đi “chui” bằng đường du lịch và đằng sau những cá nhân này là đường dây XKLĐ trái phép chưa được phanh phui?

Trao đổi với PV Người Đưa Tin pháp luật, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc công ty TNHH luật Minh Bạch, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, mọi trường hợp xuất khẩu lao động hợp pháp đều được thực hiện dưới hình thức hợp đồng, thông qua các công ty xuất khẩu lao động chính thống.

Theo điểm b khoản 3 điều 34 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, hành vi tổ chức đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài XKLĐ không đúng quy định sẽ bị phạt tiền 150 - 200 triệu đồng. Trường hợp tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép sẽ có mức phạt tù cao nhất lên tới 15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Đối với 11 người trở lên; thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; làm chết ngườ

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10 - 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm, theo quy định tại điều 349 bộ luật Hình sự 2015.

Được biết, nhóm NLĐ nói trên đã gửi đơn tố cáo đến Bộ trưởng bộ Công an, Cục trưởng cục Quản lý lao động ngoài nước (bộ LĐ,TB&XH), Chủ tịch UBND TP Hà Nội và một số cơ quan chức năng khác để điều tra, làm rõ.

Trong một diễn biến liên quan, sau khi chúng tôi phản ánh vụ việc, ông Đềm có liên hệ với PV Người Đưa Tin pháp luật và cho hay giữa ông và nhóm NLĐ nói trên đã có buổi làm việc với nhau. Qua đó, ông Đềm đã hoàn trả tiền cho NLĐ và NLĐ đã ký cam kết không thưa kiện. Đại diện nhóm NLĐ cũng đã xác nhận được ông Đềm trả lại 200 triệu đồng.

Minh Minh - Phạm Tùng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.