Tại phiên toà xét xử sơ thẩm Phạm Công Danh và đồng phạm ngày 13/1/2018, đại diện VKS giữ quyền công tố tiếp tục đề nghị làm rõ việc vắng mặt của ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV), được xác định với tư cách tham gia tố tụng là người làm chứng và người có quyên lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Thế Truyền (công ty luật hợp danh Thiên Thanh, đoàn luật sư TP.Hà Nội) phân tích: Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người làm chứng phải có mặt theo giấy triệu tập của người tiến hành tố tụng, đây là nghĩa vụ của người làm chứng theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 66. Cụ thể, ở giai đoạn xét xử sở thẩm như vụ án đang diễn ra thì sẽ do thẩm phán chủ toạ phiên toà ký giấy triệu tâp.
Luật sư Truyền cho biết thêm: “Theo điều 293 về sự có mặt của người làm chứng thì tại khoản 2 nêu rõ, trường hợp người làm chứng được tòa án triệu tập nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì hội đồng xét xử có thể quyết định dẫn giải theo quy định của Bộ luật này.
Quyết định dẫn giải đươc thực hiện theo điều 127 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Vậy trường hợp khi xác minh rõ việc ông Trần Bắc Hà có thực sự đi khám chữa bệnh tại Singapore từ ngày 8/1/2018 hay không, để từ đó xác định lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà ông Bắc Hà có thể đang gặp phải theo đề nghị của VKS là hoàn toàn có cơ sở. VKS có căn cứ xác đáng về việc vắng mặt ông Bắc Hà có thể gây cản trở đến việc xác minh sáng tỏ những tình tiết giúp tìm ra sự thật khách quan của vụ án…”.
Cũng theo luật sư Truyền: “Trong vụ án này, ông Bắc Hà còn có một vai trò nữa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Mà theo quy định tại Điều 65, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tức là người có quyền đề nghị toà xem xét các yêu cầu kiến nghị của mình, có quyền kháng cáo bản án, có quyền có luật sư bảo vệ cho mình, có quyền đưa ra các chứng cứ, tài liệu để chứng minh cho các yêu cầu của mình, đề nghị toà bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình như nguyên đơn dân sự, bị hại trong các vụ án hình sự.
Tuy nhiên, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chỉ giới hạn ở việc phải chấp hành theo triệu tập, theo giấy mời, mà không hề có bất cứ quy định, chế tài nào về việc không thực hiện những nghĩa vụ đó. Tức là, không có quy định về việc áp giải, dẫn giải người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như đối với người làm chứng. Đây là một tình huống gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi không có chế tài làm công cụ cho quyền lực của mình”.
“Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được hiểu là những người liên quan đến vụ án, không phải là bị can, bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự… Tuy nhiên, cũng chưa tách bạch được thế nào là người có quyền lợi, thế nào là người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Trên thực tế, khi một người có quyền lợi chưa chắc đã là người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Nếu quyền lợi không được bảo đảm họ có quyền nhờ người bảo vệ, họ có quyền khiếu nại các quyết định tố tụng, được quyền kháng cáo bản án.
Vậy nhưng, nếu nghĩa vụ của những người này không được thực hiện hoặc cố tình trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ của mình thì lại hoàn toàn chưa có bất kỳ chế tại nào để xử lý, áp dụng đối với những trường hợp này”, vị luật sư chỉ ra bất cập.