Những clip dàn dựng để câu view đang ngày càng tràn lan trên mạng xã hội. Ngoài ra, sự xuất hiện của những tiktok phô bày căn tính của một bộ phận người: Phàm tục, khát dục và đầy uẩn ức băng hoại cũng đang là “vấn nạn” nhức nhối.
Tôi vẫn thường lặng thầm hoặc trực tiếp xem Youtube cùng con trai, tôi không cấm con xem Youtube nhưng không thể bỏ rơi cậu ấy trong thế giới vàng thau đầy ẩn hoạ đó.
Về Thơ Nguyễn, tôi có xem vài clip và thấy rằng nó hơi thô ráp, ngớ ngẩn. Kiểu như cô ấy chôn một con tôm tích trên bờ biển và đi đào nó lên, một sự phi logic mà tôi không muốn con tôi tiếp cận.
Là một người ủng hộ tự do, nhất là tự do thông tin, tôi hoàn toàn không phản ứng những clip cho dù có dàn dựng, miễn nó không phương hại chủ thể khác. Tôi chỉ việc tắt nó đi.
Nhưng khi Thơ Nguyễn dạy trẻ con thỉnh bùa Kumanthong, cô ấy đã xâm hại thuần phong mỹ tục và sự hồn nhiên của trẻ thơ. Ê-kíp của Thơ Nguyễn hoàn toàn không nhận thức được bùa ngải là gì. Nên nhớ Momo từng gây nên trào lưu gọt người cho giống con gà quái dị hoặc tự tử.
Khi ai đó đã trở thành “tấm gương” hoặc “thần tượng”, biên độ tự do của người đó phải do chính họ điều chỉnh, có nghĩa là nhận thức phải được bồi bổ cao lên, tỷ lệ thuận với số tiền nhận được. Những đứa trẻ xem clip của Thơ Nguyễn hoàn toàn là những cái máy copy hồn nhiên. Những đứa trẻ coi Thơ Nguyễn là thần tượng sẽ bật chế độ bắt chước tự động.
Thơ Nguyễn cũng như những clip tôi liệt kê bên trên là một biểu trưng của tự do hỗn loạn. Họ đang kiếm tiền dựa trên sự băng hoại của xã hội hoặc vẽ ra sự băng hoại qua sự phai tàn giá trị. Nhà nước có luật an ninh mạng, nhưng có vẻ như nó đang nhắm vào hồng tâm là tài khoản cá nhân Facebook liên quan đến các chuyện tung tin đồn, vu khống, bịa đặt… Địa hạt vi phạm đời sống, thuần phong và nhất là phản giáo dục dường như còn đang bị bỏ ngỏ.
Có hai chủ thể trừng phạt những người lạm dụng tự do, đó là luật pháp và luân lý xã hội. Trong trường hợp Thơ Nguyễn, ngoài biện pháp của Nhà nước, người dân cũng có quyền sử dụng quyền lực của mình. Tẩy chay kênh Youtube, nhãn hàng tài trợ và ngôi sao là cách làm đơn giản.
Không quá khó trong thời đại số để một liên minh mạng-gương mặt-sản phẩm, Youtube Thơ Nguyễn-Sữa Kun kiếm rating và tìm kiếm lợi nhuận thương mại. Nhưng khi lợi nhuận được xác lập trên sự mất phương hướng của những đứa trẻ, nó phải bị trừng phạt.
Thơ Nguyễn thậm chí còn là một cử nhân luật, và không có lý do gì để người tiêu dùng chấp nhận sử dụng sản phẩm một thương hiệu hậu thuẫn cho người am hiểu luật pháp lại vi phạm pháp luật, phản bội quyền tự do.
Tự do, không có nghĩa là gieo rắc sự phản cảm băng hoại để kiếm tìm danh lợi!
Tiến Trường
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả