Ngày 24/4, thông tin từ Bệnh viện A Thái Nguyên, đơn vị này vừa tiếp nhận một trường hợp trẻ bị tai nạn nghiêm trọng. Theo đó, bé T.K.M. (3 tuổi, Thái Nguyên) cầm xiên que chơi đùa và ngã khi đang chạy khiến que đâm vào lưỡi. Trẻ nhập viện trong tình trạng chiếc que xiên đâm xuyên lưỡi, cắm xuống phía sàn miệng gây chảy máu.
Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhi được các bác sĩ đã xử trí rút dị vật, cầm máu vết thương. Đồng thời, bệnh nhân được thăm khám để chắc chắn không còn mảnh vỡ, dằm của xiên que sót lại tại vùng lưỡi.
Sau khi về nhà, trẻ tiếp tục được gia đình theo dõi vết thương và vệ sinh hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ.
Theo thông tin ban đầu trên VTC News, khoảng 20h ngày 22/4, bé T.K.M., 3 tuổi, sống tại Tp.Thái Nguyên được gia đình đưa vào cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng que xiên thịt sắc nhọn đâm xuyên lưỡi.
Người nhà bệnh nhi cho biết, bé chơi đùa và ngã khiến que đâm vào lưỡi, gây thương tích. Khi nhập viện, bé vẫn tỉnh táo, xiên que đâm xuyên qua lưỡi, cắm xuống phía sàn miệng, gây chảy máu.
Bé được các bác sĩ khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện A Thái Nguyên, xử trí rút dị vật, cầm máu vết thương; đồng thời thăm khám để chắc chắn không còn mảnh vỡ, dằm của xiên que còn sót lại tại vùng lưỡi. Gia đình được hướng dẫn theo dõi vết thương và vệ sinh hàng ngày.
BSCKI Phạm Thế Hùng, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, người trực tiếp xử lý ca bệnh, chia sẻ trường hợp này may mắn là xiên que đâm xuyên không trúng vào các mạch máu và dây thần kinh ở lưỡi. Vì vậy, bé không bị chảy nhiều máu, vết thương ở lưỡi sau khi lành cũng không gây ảnh hưởng đến vị giác cũng như khả năng nói, phát âm của bé.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp trẻ bị thương tích do tai nạn sinh hoạt mà bệnh viện tiếp nhận. Những tai nạn thường gặp nhất là thương tích do ngã, tai nạn cắt, đâm do vật sắc nhọn (dao, kéo, đũa, que…), tai nạn do bỏng, sặc.
Từ trường hợp này Bác sĩ Hùng khuyến cáo, tình trạng trẻ em bị vật nhọn như đũa, tăm, que, bút viết đâm vào miệng phải nhập viện cấp cứu xảy ra thường xuyên. Thường trẻ bị đũa, tăm đâm vào miệng, họng khi đang ăn, đặc biệt là vừa ăn vừa chơi rất nguy hiểm.
"Cha mẹ cần chú ý cẩn thận trong quá trình chăm sóc trẻ, sát sao khi trẻ chơi đùa. Không để trẻ vừa nô đùa vừa cầm đồ vật sắc nhọn để tránh những tổn thương đáng tiếc có thể xảy ra", bác sĩ Hùng nói.
Trong trường hợp không may bị dị vật đâm, phụ huynh phải bình tĩnh, không được tự ý rút dị vật ra mà cố gắng giữ cố định nguyên trạng dị vật và đưa bé đến bệnh viện để các bác sĩ có chuyên môn xử lý.
Đây không phải trường hợp đầu tiên, trước đây cũng từng có bé trai 10 tuổi ngã trúng que têm trầu khiến bé tím tái, khó thở phải nhập viện cấp cứu. Thông tin trên Sức khỏe & Đời sống, khi đang trèo lên ghế, cháu bé đã vô tình ngã vào 1 chiếc que nhọn, là que têm trầu để ở bình vôi. Do quá hoảng hốt, gia đình đã rút que têm trầu ra khỏi vết thương. Ngay sau đó vết thương chảy máu nhiều, trẻ trở nên tím tái. Gia đình lập tức đưa bệnh nhi đến viện để cấp cứu.
Sau khi thăm khám các bác sĩ của khoa ngoại đã xác định vết thương của bé rất sâu, mất rất nhiều máu và bệnh nhân đã dần mất ý thức. BSCKII Vương Trung Kiên nghĩ ngay đến vết thương động mạch chủ. Ngay lập tức bệnh nhân được đưa lên phòng mổ gây mê đặt ống nội khí quản, dẫn lưu màng phổi tối thiểu để hạn chế chèn ép và hồi sức duy trì các dấu hiệu sống. Sau đó bệnh nhi được các bác sĩ điều dưỡng hộ tống đến Bệnh viện Xanh Pôn để thực hiện phẫu thuật lồng ngực.
Do đầu que têm trầu nhọn, nên vết thương rất sâu, gần tim, khiến bệnh nhân mất máu nhiều, suy hô hấp, máu tràn vào màng phổi có thể tử vong bất cứ lúc nào vì vậy trên đường di chuyển bệnh nhi vừa được hồi sức vừa phải truyền máu.
Nhờ vào sự khẩn trương và chính xác của các bác sĩ cấp cứu đã giúp cháu bé qua cơn nguy kịch và cháu bé được các bác sĩ ở khoa Tim mạch, lồng ngực phẫu thuật thành công. Sau mổ ổn định cháu bé được chuyển về BVĐK Thạch Thất để theo dõi và điều trị tiếp.
Trúc Chi (t/h)