Cuối 2013, công ty mẹ HVG lần đầu tiên công bố lỗ quỹ bất chấp doanh thu tăng mạnh. Thị phần được giữ vững nhưng chi phí quá cao, đặc biệt chi phí tài chính, bán hàng và vận chuyển đã khiến "ông trùm" thủy sản gặp không ít khó khăn.
Sang năm 2015, doanh nghiệp này rơi vào tình cảnh doanh thu tăng nhưng lãi vỏn vẹn hơn chục tỷ đồng do chi phí ngày càng nhiều. Vị trí của HVG trong ngành cũng tụt giảm. Trong khi Minh Phú lên vị trí số 1, Vĩnh Hoàn số 2 thì Hùng Vương tụt xuống thứ 10.
Tình hình dường như càng trở nên xấu đi khi HVG mở rộng hoạt động kinh doanh, chuyển hướng chăn nuôi heo với dự án 2.000 tỷ đồng, từ thức ăn gia súc gia cầm cho tới trang trại, sản xuất thuốc, logistics,...
Sa sút lên tới đỉnh điểm khi ngay từ những ngày đầu năm 2017, Hùng Vương đã phải đón nhận thông tin không mấy vui vẻ, khi cổ phiếu HVG bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 15/2 tới nay do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2016 và quý II/2017 đều là số âm.
Mới đây nhất, theo BCTC hợp nhất niên độ tài chính 2016-2017 vừa công bố, trong quý cuối cùng năm tài chính (từ 1/7-30/9), doanh thu của HVG đạt 3.588 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 30,4 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 75,7 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 33,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 100 tỷ đồng.
Lũy kế, trong năm tài chính 2016-2017, HVG đạt 16.059 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 11% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 63 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 9,7 tỷ đồng), trong đó lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ âm tới 131 tỷ đồng.
Cùng với đó, tình hình nợ nần của “ông lớn” ngành thủy sản cũng đang ở mức rất cao khiến nhiều cổ đông lo ngại.
Tính đến thời điểm 30/9/2017, nợ phải trả của công ty dù đã giảm 1.566 tỷ đồng nhưng vẫn ở mức rất cao 11.770 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn hơn 10.862 tỷ đồng, chiếm phần lớn là vay nợ tài chính ngắn hạn hơn 7.016 tỷ đồng và phải trả người bán 3.420 tỷ đồng.