Mới đây, báo Sức khỏe&Đời sống đưa tin, một tháng sau khi sinh, người mẹ cùng bé đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám, xét nghiệm, định lượng kháng thể giang mai để xem liệu tình trạng ở bé là giang mai do huyết thanh từ mẹ truyền sang hay bị giang mai thực sự.
Qua kiểm tra, bác sĩ cho hay bé bị giang mai bẩm sinh. Sau đó, bé và mẹ được điều trị bằng kháng sinh đường tiêm, kết quả tốt. Chồng chị cũng được đưa đến để xét nghiệm, điều trị bởi đây là bệnh chủ yếu lây qua đường tình dục.
BS Phan Thị Thảo - Phó trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho hay khi mang thai, người mẹ mắc bệnh lý này có thể lây truyền sang con do xoắn khuẩn giang mai xâm nhập máu thai nhi qua rau thai.
Thông tin trên Vnexpress, thông thường thai nhi bị nhiễm xoắn khuẩn giang mai sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao. Nếu nhiễm xoắn khuẩn giang mai một cách ồ ạt, thai nhi sẽ không sống được và có nguy cơ bị sảy thai vào tháng thứ 5-6 của thai kỳ. Ở mức độ nhẹ hơn thì có thể sẽ bị sinh non và cũng rất khó sống sót.
Những em bé bị giang mai bẩm sinh có sức đề kháng yếu ớt, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng kém. Bệnh gây những vết lở loét, phồng rộp trên cơ thể bé. Trẻ có thể mắc các dị tật bẩm sinh như khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, bị bệnh tim, bệnh gan... Khi bệnh nặng và biến chứng, trẻ mất khả năng sinh sản.
Giang mai là bệnh điều trị được bằng kháng sinh và có thể phòng ngừa. Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ trước khi mang thai cần đi khám tiền sản, tầm soát bệnh giang mai và các nguy cơ khác, quan hệ tình dục an toàn.
Trong giai đoạn 18 tuần thai đầu tiên, thai phụ phải khám thai định kỳ có thể phát hiện được bệnh này ở thai nhi. Từ đó phát hiện bệnh kịp thời, có hướng xử trí phù hợp.
Hồng Anh (Tổng Hợp)