Bão Krathon suy yếu ra khỏi Biển Đông
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 3/10, bão Krathon đã di chuyển ra ngoài Biển Đông và không có khả năng quay trở lại Biển Đông.
Dự báo diễn biến trong 24h tới:
Thời điểm dự báo | Hướng, tốc độ | Vị trí | Cường độ | Vùng nguy hiểm | Cấp độ rủi ro thiên tai (Khu vực chịu ảnh hưởng) |
19h/03/10 | Đông Bắc, 5-10km/h và suy yếu dần | 23,3N-120,7E; trên khu vực phía Nam đảo Đài Loan (Trung Quốc). | Cấp 9-10, giật cấp 13 | Phía Bắc vĩ tuyến 20,5N; phía Đông kinh tuyến 118,0E | Cấp 3: phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông |
7h/04/10 | Đông Bắc, khoảng 5km/h, và suy yếu dần thành một vùng áp thấp | 24,0N-121,2E; trên khu vực đảo Đài Loan (Trung Quốc) | < Cấp 6 |
Ngoài ra, ngày và đêm 3/10 ở vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão; vùng biển từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa rào và dông.
Cảnh báo: Ngày 4/10, vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông (phía Bắc vĩ tuyến 22,0N; phía Đông kinh tuyến 118,5E) gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động. Sóng biển cao từ 2,0 - 4,0m; riêng phía Đông 3,0 - 5,0m.
Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2, riêng vùng biển Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông cấp 3.
Dự báo tác động: Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.
Khả năng Biển Đông đón 2 cơn bão trong tháng 10 này
Trong bản tin dự báo tình hình thời tiết tháng 10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, nhiệt độ trung bình trên cả nước trong thời gian này phổ biến cao hơn 0,5-1,0 độ C so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ, riêng khu vực Bắc bộ phổ biến xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.
Trong khi đó, lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN, riêng khu vực Trung bộ phổ biến cao hơn từ 10-30% so với TBNN cùng thời kỳ.
Bão áp thấp nhiệt đới hoạt động trong tháng 10 này trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền của Việt Nam có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ (TBNN trên Biển Đông có 2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó khoảng 1 cơn đổ bộ vào đất liền nước ta).
Đáng nói, trong tháng 10, không khí lạnh có xu hướng hoạt động gia tăng về tần suất và cường độ.
Khu vực Trung bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn diện rộng. Ngoài ra, mưa giông trên phạm vi cả nước có thể kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão/áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, giông, lốc xoáy trên biển có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông. Mưa lớn, giông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.
Vì sao siêu bão xuất hiện ngày một nhiều?
Thời gian qua, thế giới đã phải chứng kiến hàng loạt siêu bão cực mạnh. Dù các siêu bão có cơ chế hình thành hết sức phức tạp và do nhiều yếu tố tác động nhưng các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu có ảnh hưởng không nhỏ đến cường độ của siêu bão.
Mới đây nhất, có thể kể đến siêu bão Helene đang hoành hành dữ dội tại Mỹ, siêu bão Yagi tàn phá Philippines, Trung Quốc và Việt Nam, siêu bão Boris đổ bộ vào Trung Âu gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và của.
Các nhà khoa học nhận định, các siêu bão trên khắp thế giới dường như đã mạnh dần lên trong những năm qua và thủ phạm chính được chỉ ra là tình trạng biến đổi khí hậu khiến các dòng hải lưu trên đại dương nóng lên, qua đó làm gia tăng sức mạnh và độ hủy diệt của bão.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu từng dự báo năm 2024 sẽ là năm có những trận bão dữ dội ở Đại Tây Dương do nhiệt độ bề mặt đại dương tại đây đã đạt mức cao kỷ lục. Tỉ lệ xảy ra siêu bão đổ bộ vào Mỹ vì thế sẽ cao hơn khá nhiều so với mức trung bình trong nhiều năm qua.
Đặc biệt, thời tiết nóng ấm khiến cho độ ẩm tăng cao đồng nghĩa với việc lượng mưa trong bão ngày càng dữ dội. Cụ thể, lượng mưa trong siêu bão Harvey đổ bộ vào Mỹ năm 2017 ước tính cao gấp 3 lần so với một cơn bão thông thường và biến đổi khí hậu một lần nữa được cho là tác nhân chính.
Theo thông tin trên Giao Thông, đã có những bằng chứng cho thấy nhiều cơn bão có thời gian đổ bộ và hoành hành trên đất liền lâu hơn trước là do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng cao có thể đóng vai trò quyết định đến mức độ hủy diệt của các cơn bão. Ngoài ra, triều cường do bão gây ra còn khiến những đợt lũ lụt vốn đã nghiêm trọng càng tồi tệ hơn.
Nhận định thời tiết từ ngày 4/10 đến ngày 12/10
- Bắc Bộ và Thanh Hóa: Thời tiết đêm không mưa; sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; ngày nắng. Đêm và sáng sớm trời lạnh, vùng núi có nơi trời rét.
- Bắc Trung Bộ: Có mưa vài nơi, ngày nắng.
- Trung Trung Bộ: Dự báo có mưa rào và dông rải rác.
- Nam Trung Bộ: Thời tiết có mưa rào và dông vài nơi.
- Tây Nguyên và Nam Bộ: Chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Trúc Chi (t/h)