Sáng 31/10, bão số 5 sau khi đi vào đất liền tại các tỉnh Bình Định-Phú Yên đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) gây gió mạnh, mưa lớn, một số khu vực lượng mưa xấp xỉ 400mm, tốc độ gió mạnh cấp 8-9, có nơi giật cấp 11, theo báo Infonet.
Nhận định về tình hình mưa lũ sau bão, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão nên tiếp tục có mưa ở khu vực phía Nam Tây Nguyên và Ninh Thuận với tổng lượng mưa 40-70mm, khu vực phía Bắc Tây Nguyên và Khánh Hòa có tổng lượng mưa 80-150mm, có nơi trên 150mm, ở các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có tổng lượng mưa 100-200mm, có nơi trên 200mm.
Theo ông Khiêm, dự báo trong những ngày tới sẽ hình thành một dải hội tụ nhiệt đới và có khả năng tiếp tục xuất hiện một cơn bão mới, gây ra một đợt mưa rất lớn ở các tỉnh miền Trung.
“Tổng lượng mưa dự báo phổ biến từ 300 - 500mm, có nơi mưa trên 500mm, nên các tỉnh miền Trung có nguy cơ lặp lại trận lũ lịch sử năm 1999”, ông Khiêm thông tin.
Theo bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện tại vùng thấp này đang có xu hướng mạnh lên.
Trong khoảng từ ngày 2 đến 3/11 sẽ thành áp thấp nhiệt đới hoạt động tại Biển Đông và di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc. Ngày 3 đến 7-11, áp thấp nhiệt đới này có khả năng mạnh lên thành bão. Theo mô hình dự báo của Mỹ, cơn bão này di chuyển khá phức tạp, đường đi của bão sẽ lòng vòng trong Biển Đông, ra vào thất thường trước khi đổ bộ vào đất liền.
Theo dự báo, cơn bão mới có khả năng di chuyển vào khu vực đất liền từ đèo Hải Vân đến các tỉnh Bình Định, Phú Yên. Đặc biệt các vùng từ thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Quãng Ngãi cần lưu ý.
Lại nói về cơn bão số 5, theo thống kê đến thời điểm hiện tại, cơn bão đã khiến một người chết, danh tính nạn nhận được xác định là ông Nguyễn Văn L. (SN 1979).
Theo số liệu cập nhật mới nhất vào chiều 31/10, riêng tỉnh Phú Yên có 8 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn, 14 nhà thiệt hại từ 30 - 50%, 12 nhà thiệt hại dưới 30%; hơn 100 ha lúa, hoa màu của người dân bị ngập úng và ngã đổ; 19 tàu thuyền của ngư dân bị chìm và hư hỏng do sóng va đập. Hàng nghìn hộ dân bị mất điện chiếu sáng.
Toàn bộ hệ thống điện trên toàn TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) bị tê liệt, sạt lở 700m kè biển đoạn từ cầu 1 đến công viên Quốc Thắng, 2 nhà bị tốc mái, nhiều cây xanh bị ngã đổ.
Vietnamplus đưa tin, tại huyện miền núi An Lão, đến tối 31/10, 2 xã An Dũng và An Vinh vẫn bị cô lập do cây cầu An Dũng bị sập. Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện An Lão cho biết toàn huyện có 22 nhà dân và 1 nhà văn hóa bị tốc mái, hư hỏng. Tuyến đường đi các xã An Toàn, An Nghĩa bị sạt lở khoảng 3.000m3 đất đá; giao thông không thuận lợi; nhiều khu vực bị cắt điện hoàn toàn.
Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)