Nhà máy in tiền Quốc gia (NBPP) là đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, với ngành nghề hoạt động kinh doanh chính là in tiền và các giấy tờ có giá như tiền; đúc tiền.
Ngoài ra, nhà máy còn có ngành nghề khác là sản xuất vàng miếng, các vật phẩm lưu niệm bằng vàng. Có thể hiểu, hoạt động của NBPP cũng giống như các doanh nghiệp in ấn thông thường, nhưng phục vụ "khách hàng" đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước.
Mới đây, NBPP vừa công bố báo cáo tài chính năm 2018 và báo cáo tài chính 6 tháng năm 2019. Năm 2018, doanh thu NBPP đạt 2.337 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của nhà máy giảm 23% xuống còn 102 tỷ đồng. Bù lại, cơ quan này ghi nhận 34,3 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 39%; trong khi đó, chi phí tài chính giảm tới 63% xuống còn 11,2 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng ghi nhận không đáng kể, chỉ 200 triệu đồng; trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp là 62,3 tỷ đồng, giảm 7%.
Kết thúc năm 2018, Nhà máy in tiền quốc gia đạt 63,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 14% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế đạt 51 tỷ đồng, tăng 15%.
Tuy nhiên, sang 6 tháng 2019, tình hình không còn khả quan như trước. Theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019, NBPP bất ngờ báo lỗ lớn.
Nguyên nhân chính là doanh thu nửa đầu năm nay của nhà máy ở mức 906 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của nhà máy chỉ còn vỏn vẹn 20,2 tỷ đồng, bằng chưa đầy 1/4 nửa đầu năm ngoái.
Doanh thu tài chính cũng sụt giảm trong nửa đầu năm khi đạt 10,3 tỷ đồng, giảm 40%.
Mặc dù chi phí tài chính giảm gần một nửa xuống còn 4,8 tỷ đồng nhưng do chi phí quản lý doanh nghiệp quá lớn, lên đến 32,6 tỷ đồng (tăng 12%) nên kết thúc nửa đầu năm 2019, Nhà máy in tiền quốc gia chịu lỗ trước thuế 6,3 tỷ đồng. Sau khi trừ đi thuế, mức lỗ sau thuế là 11,2 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 6/2019, NBPP có tổng tài sản 2.267 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền là 332 tỷ đồng, giảm 50% so với hồi đầu năm, nhưng hàng tồn kho lại tăng vọt lên 950 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần đầu năm.
Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Nhà máy in tiền quốc gia là 2.266 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,7% so với hồi đầu năm. Phần lớn tài sản tập trung ở hàng tồn kho với 950 tỷ đồng, tài sản cố định với 548 tỷ đồng và tiền cùng các khoản tương đương tiền với 331 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của nhà máy đến hết ngày 30/6/2019 ở mức 1.907 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,6% so với đầu năm. Nợ phải trả ở mức 339 tỷ đồng, tăng 17%.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng lớn nhất từng ghi nhận tại NBPP là năm 2016. Tính tới hết năm 2016, doanh thu thuần của doanh nghiệp là 2.195 tỷ đồng – tăng 53%; lợi nhuận sau thuế 42 tỷ đồng – tăng 79% so với năm trước đó.
Trong kỳ, NBPP ghi nhận thu nhập khác đạt 17,64 tỷ đồng, tăng vọt so với con số 1,34 tỷ đồng năm 2015.
Là doanh nghiệp công ích sản xuất hàng hóa đặc biệt theo kế hoạch do Ngân hàng Nhà nước giao, NBPP có thuận lợi là khá ổn định về việc làm. Tuy nhiên, nhà máy lại gặp khó khăn do kế hoạch sản xuất phụ thuộc vào kế hoạch in tiền hàng năm do Ngân hàng Nhà nước giao, do vậy việc bố trí sử dụng lao động luôn bị động. NBPP hiện có gần 800 lao động,
Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)