Vua nghe theo gian thần, tôi trung bỏ xứ mà đi

Vua nghe theo gian thần, tôi trung bỏ xứ mà đi

Thứ 5, 09/05/2013 11:05

Lê Bá Ly (1476-1557) là tướng nhà Lê sơ và nhà Mạc; nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam.

Ông tham gia cuộc chiến tranh Lê-Mạc lần lượt phục vụ cho cả hai phe trong cuộc chiến này. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Lê Bá Ly người làng Cổ Phạm, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, Việt Nam. Lê Bá Ly là quan võ dưới thời Lê sơ. Khi nhà Mạc thay nhà Lê (1527), ông tiếp tục phục vụ cho nhà Mạc, được phong tước Phụng quốc công. Nhà Lê Bá Ly ở Thịnh Liệt thuộc huyện Thanh Trì (Hà Nội ngày nay).

Nội bộ nhà Mạc tự phân hóa, lại thêm vua ngu tối nghe gian thần, khiến Lê Bá Ly về với nhà Lê, làm thay đổi tình thế cuộc chiến Lê - Mạc. Hai cha con Phạm Quỳnh, Phạm Dao bàn nhau, chuyện đã như thế, nếu lọt đến tai chủ cũ sẽ mang họa vào thân. Thế là nửa đêm 12 tháng 2 âm lịch (1551) chúng tự ý đem quân bản bộ đến vây bắt Lê Bá Ly ở trại Hồng Mai và một cánh quân khác đến bắt Đô ngự sử Nguyễn Thiến. Nhưng chúng là một bọn ngu dốt, không điều tra trước, nên vồ hụt.

Bởi vì hôm ấy, Lê Bá Ly không ngủ ở nhà mà đang ở trại quân; Nguyễn Thiến vào triều họp chưa về. Khi chúng vào lục soát trại Hồng Mai, có người đầy tớ tên là Đồi Mồi lẻn trốn ra được, chạy nhanh đến báo tin cho Lê Bá Ly. Lão tướng nhanh chóng tập hợp quân dưới trướng và người nhà đóng cửa cố thủ. Mặt khác, ông cấp báo cho các con và người thân đến cứu viện. Một lát sau, các con trai, con nuôi và con rể (Nguyễn Quyện) mỗi người dẫn ba ngàn quân, có cả cấm binh đến giao chiến với quân Quỳnh - Dao. Quỳnh - Dao thua chạy trở về đóng cửa thành.

Lê Bá Ly cùng thuộc hạ đem quân đến chiếm giữ cửa Chu Tước. Kinh thành cực kỳ náo loạn. Mạc Phúc Nguyên hoảng sợ chạy trốn qua sông đến đóng ở Bồ Đề, một mặt cấp báo với Kính Điển, một mặt sai sứ thần mang thư đến dụ Lê Bá Ly bãi binh. Lê Bá Ly yêu cầu bắt cha con Quỳnh, Dao đến nộp thì mới chịu bãi binh.

Phúc Nguyên triệu tập các tướng từ Sơn Tây hợp quân về chống lại. Lê Bá Ly cũng có thêm quân của Khải Khang Hầu kéo tới trợ giúp. Quân của Bá Ly đánh tan quân nhà vua. Bá Ly tiến quân đến Cầu Hà, đối mặt với nhà vua bên kia sông, rồi lạy sang bái vọng và cất lời thống thiết: "Cha con hạ thần thực không dám mưu tính sự gì, chẳng qua vì kẻ gian thần bức bách, vu cho hạ thần là phản nghịch. Chúng định hãm hại, cho nên hạ thần phải dùng binh tự vệ. Xin bệ hạ bắt cha con Quỳnh, Dao, giải đến để úy lạo ba quân thì hạ thần xin bãi binh ngay".

Mạc Phúc Nguyên tảng lờ không nghe, quay phắt đi, võng lọng bầy đoàn tiến về phía Đông. Lê Bá Ly nổi giận, mắng nhiếc vua là kẻ hôn quân, ngu tối.

Lão tướng không đuổi theo mà thu quân về kinh thành. Ông tập hợp con cái và các tướng lại, cất lời tâm sự: "Ta có chút tài mọn, nguyên thờ Quang Thiệu hoàng đế (tức Lê Chiêu Tông), chính tay ta đã dựng nên bốn đời vua nhà Mạc, hao phí biết bao tâm lực. Nay gặp hôn quân, không biết minh đoán, chỉ nghe lời kẻ gièm pha, khiến cho bao nhiêu nghĩa biển tình non đều thành băng tan, ngói trút! Sự thể đã như vậy, thôi còn nói gì. Ta nghe vua Lê lên ngôi ở Thanh Hoa, có Thái sư họ Trịnh là một vị anh hùng tài lược, chuyên ý phò tá, ra quân có danh, bốn phương quy phục. Đó thực là vị chúa trung hưng vậy".

Sau đó ông ngỏ ý đem quân về với nhà Lê, hỏi ý các tướng. Mọi người đều nghe theo. Tháng Ba năm Tân Hợi (1551), Lê Bá Ly đem một vạn bốn nghìn quân cùng các con trai và cả Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện kéo về Vạn Lại đầu hàng. Vua Lê và Trịnh Kiểm thấy vị lão tướng 77 tuổi, râu tóc bạc phơ vẫn còn quắc thước thì cả mừng, đón tiếp vô cùng trọng hậu. Các tướng đi theo đều được ban chức tước như cũ...

Luật nay: Nếu đủ chứng cứ sẽ buộc tội đào ngũ

Hành động bỏ nhà Mạc của Lê Bá Ly theo nhà Lê khó mà có thể chấp nhận được dù cho đó không phải chủ ý thực sự của ông. Nó xuất phát từ việc vua nghe gian thần, khiến Lê Bá Ly về với nhà Lê, làm thay đổi tình thế cuộc chiến Lê - Mạc. Hai cha con Phạm Quỳnh, Phạm Dao bàn nhau, chuyện đã như thế, nếu lọt đến tai chủ cũ sẽ mang họa vào thân. Chúng tổ chức vây bắt Lê Bá Ly nhưng không thành sau đó, ông đã chạy về nhà Lê cầu cứu.

Giả sử ngày nay, Lê Bá Ly vẫn còn là một tướng lĩnh trong quân đội thì hành động bỏ nước chạy theo địch sẽ bị xử như thế nào? Theo Điều 315 BLHS quy định về những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân: Quân nhân tại ngũ, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội, dân quân, tự vệ phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm do mình thực hiện. Như vậy, Lê Bá Ly thuộc vào đối tượng quy định tại Điều 315.

Dù nhà vua có nghe theo kẻ gian thần thì ông cũng không bỏ triều đình chạy theo địch được. Việc đó sẽ được điều tra kỹ lưỡng để trừng phạt cha con Quỳnh Dao. Hành động của Lê Bá Ly ngầm hiểm là một hành động đào ngũ. Theo Điều 325 BLHS thì: Người nào rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc trong thời chiến, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Cũng theo điểm c khoản 2 của điều luật này thì rõ ràng Lê Bá Ly đã vứt bỏ vũ khí, phương tiện kỹ thuật... để chạy theo vua Lê. Tuy nhiên, để khép được tội Lê Bá Ly thì phải có đầy đủ chứng cứ rõ ràng.       

Tường Linh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.