Ngày ấy, vào đầu tháng 2 năm Ất Dậu (1285), sau nhiều lần vua Nguyên Hốt Tất Liệt sai sứ sang buộc vua Trần phải sang chầu, nếu vì lý do chính đáng nào đó không sang chầu được thì phải đưa vàng bạc châu báu sang thay và phải nộp hiền sỹ, thầy âm dương bói toán, thợ khéo tay, mỗi hạng hai người. Yêu sách của vua Nguyên không được vua Trần đáp ứng, vì thế vua Nguyên phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, sai Thái tử Thoát Hoan đem đại binh đánh tới Gia Lâm, vây hãm kinh thành Thăng Long, khiến Thượng hoàng Trần Thái Tông và vua Trần Nhân Tông phải di tản chiến lược bằng thuyền nhỏ ra vùng Tam Trĩ, còn thuyền ngự thì ra vùng Ngọc Sơn để đánh lạc hướng giặc, nhưng quân Nguyên vẫn phát hiện ra.
Ngày 9/3/1285, thủy quân giặc Nguyên bao vây Tam Trĩ, suýt bắt được hai vua Trần, trong khi tướng Trần Bình Trọng lại lâm trận, dũng cảm hy sinh ở bờ sông Thiên Mạc. Trước thế giặc mạnh và tấn công như vũ bão, nhiều tôn thất nhà Trần như Trần Kiện, Trần Nhượng và Hoàng thân Trần Ích Tắc... mang gia quyến chạy sang trại giặc. Bấy giờ tướng Trần Khắc Chung được sai đi sứ để làm chậm tốc độ tiến quân của giặc nhưng không có kết quả. Trong lúc đó, cần phải có thời gian để củng cố lực lượng, tổ chức chiến đấu phản công, kế sách đối phó hữu hiệu nhất là "mỹ nhân kế".
Bởi vậy, vua Trần Thánh Tông bất đắc dĩ phải dùng đến sắc đẹp tài hoa tuyệt vời của người con gái út yêu quý của mình là công chúa An Tư. Vì nước, vì hiếu nghĩa, công chúa An Tư vâng lệnh vua cha và vua anh dũng cảm đi vào trận chiến chỉ có một mình, không một thanh gươm, không một tấc sắt.
Công chúa An Tư sang trại giặc không phải với tư cách đi lấy chồng mà là vật cống nạp, cũng còn là một người nội gián... Sau đó nhà vua Trần bắt đầu phản công hầu khắp các mặt trận khiến cho quân giặc Nguyên đại bại, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn qua bên kia biên giới. Không rõ trong các cuộc hỗn chiến ấy, việc sống chết của công chúa An Tư thế nào?
Luật nay: Có dấu hiệu của tội cưỡng ép kết hôn
Tại sách An Nam chí có chép rằng: "Trước Thái tử (Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần sinh được hai con...". Phải chăng người con gái họ Trần này là An Tư? Chưa có chứng cứ rõ ràng khẳng định định điều ấy, nhưng dù triều Trần và sử sách có quên sự cống hiến của nàng cho đất nước và dân tộc thời chống ngoại xâm, thì các thế hệ muôn đời sau vẫn mãi mãi dành cho nàng chỗ đứng kính trọng và thương cảm trong lòng dân tộc. Khoảng trống lịch sử đó sẽ được lấp đầy bằng tình cảm tôn kính của các thế hệ mai sau.
Hiện sử sách cũng không có tài liệu nào viết về sự sống sót của công chúa An Tư. Nhưng vụ việc trên, giả sử An Tư trở về và làm đơn tố giác những người đã ép nàng phải theo giặc thì cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra làm rõ. Nếu trong quá trình điều tra có phát hiện ra sai phạm thì phải xử lý đối tượng ấy.
Việc dùng kế sách "mỹ nhân kế" của những nhà cầm quân thời xưa là một việc làm ngoài mong muốn.
Căn cứ vào các nội dung của sự việc trên thì các đối tượng đã có dấu hiệu của tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ theo Điều 146, BLHS. Theo đó: Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
Tường Linh