Công ty Cổ phần tập đoàn Hoa Sen (HSG) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất tháng 4 và lũy kế 7 tháng theo niên độ tài chính 2020 - 2021 của doanh nghiệp.
Theo đó, tính riêng tháng 4, tập đoàn Hoa Sen đã bán được 216.390 tấn thành phẩm, nâng tổng sản lượng tiêu thụ từ tháng 10/2020 (bắt đầu niên độ tài chính 2020 - 2021) lên mức 1,295 triệu tấn, tương đương 72% kế hoạch trong niên độ này.
Với sản lượng trên, riêng trong tháng 4, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 4.550 tỷ đồng và lãi ròng 538 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, khoản lợi nhuận tháng 4 vừa qua của công ty đã tăng gấp 6 lần và là mức lợi nhuận cao kỷ lục trong 1 tháng kinh doanh của doanh nghiệp.
Tính chung 7 tháng, Hoa Sen ghi nhận 24.496 tỷ đồng doanh thu và 2.208 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
So với kế hoạch 33.000 tỷ đồng doanh thu và 1.500 tỷ đồng lãi ròng cho cả niên độ 2020 - 2021, sau hơn nửa niên độ, Hoa Sen đã hoàn thành 74% chỉ tiêu doanh thu và vượt 47% kế hoạch lợi nhuận.
Lợi nhuận của Hoa Sen đã bứt phá mạnh kể từ đầu tiên độ tài chính 2020 - 2021 đến nay. Trong đó, lợi nhuận trong quý I của niên độ này (1/10/2020 - 31/12/2020) cũng đạt 572 tỷ đồng, cao gấp 2 lần cùng kỳ các năm trước.
Sang quý II của niên độ (1/1/2021-31/3/2021), Hoa Sen ghi nhận tới 10.800 tỷ đồng doanh thu, cao hơn 88% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế nhờ đó cũng đạt mức 1.099 tỷ, tăng 415%. Trong đó, riêng lợi nhuận của tháng 3 đã trên 500 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính giúp con số này tăng mạnh là do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng ròng gần 1.500 tỷ. Trong đó, các khoản làm tăng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bao gồm doanh thu thuần tăng gần 7.600 tỷ, trong khi các chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp đều giảm hàng trăm tỷ đồng. Cùng với đó, lợi nhuận công ty tăng do xu hướng giá thép đi lên.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đánh giá xu hướng diễn biến giá nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới trong năm 2021 có nhiều biến động, có thể thiết lập mặt bằng giá mới như thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính 2008.
Nguyên nhân đến từ nhu cầu nội địa Trung Quốc gia tăng với nhiệm vụ kép phục hồi sau Covid-19 và mở đầu kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025. Trong khi, quốc gia này siết chặt nguồn cung với chính sách kiểm soát ô nhiễm và giảm hoàn thuế xuất khẩu từ 13% xuống 9%, thậm chí 0% có hiệu lực từ 1/5.