Giống như bao vị hoàng đế khác, trong nội cung của vua Đồng Khánh có rất nhiều cung tần, mỹ nữ, có 30 bà phi chia nhau canh gác xung quanh hậu cung và 5 nàng ở bên cạnh, luân phiên chăm sóc... Thế nhưng để quản lý, giải quyết những chuyện thị phi giữa các bà vợ của vị vua triều Nguyễn này không hề dễ dàng. Để hậu cung ổn định, vua Đồng Khánh có một quan niệm là quản lý hậu cung cũng như điều hành đất nước, phải nghiêm minh như xử lý chính sự, rất nhiều luật lệ hà khắc khiến vị vua này trở nên “nổi tiếng”.
Vua Đồng Khánh
Vị vua quán xuyến chu toàn ở hậu cung
Vua Đồng Khánh sinh ngày 12 tháng giêng năm Giáp Tý (tức ngày 19/ 2/1864), có tên húy của là Nguyễn Phúc ưng Kỷ, Nguyễn Phúc ưng Thị, Nguyễn Phúc ưng Biện... là con nuôi vua Tự Đức và anh lớn của Hàm Nghi vị vua thứ 9 của nhà Nguyễn, tại vị từ năm 1885 đến 1889. Ông vốn có xuất thân khá cá biệt so với các vị khác của cung đình Huế, vốn là con trưởng của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Bùi Thị Thanh. Năm 1865, lúc được 2 tuổi, ưng Thị được vua Tự Đức nhận làm con nuôi và giao cho bà Thiện Phi Nguyễn Thị Cẩm chăm sóc, dạy bảo. Sau binh biến năm 1885, vua Hàm Nghi bỏ ngai vàng ra Tân Sở, triều đình Huế thương lượng với Pháp đưa ưngThị lên ngôi, đặt niên hiệu Đồng Khánh.
Tháng 8 năm Ất Dậu (1885) ngay sau khi lên ngôi, Đồng Khánh đã ban dụ phong tước cho những người vợ của mình theo các bậc khác nhau là phi, tần, tiệp dư, quý nhân, mỹ nhân, tài nhân chia nhau phụ trách, cai quản công việc ở tam cung, lục viện và vua căn dặn rằng: "Những người trên phải kính cẩn thực thi nội chức để việc trong nội cung được nghiêm chỉnh. Người xưa từng nói, phải tề gia rồi sau mới trị quốc, đó là điều trẫm vô cùng mong mỏi vậy”.
Thế nhưng chỉ hai năm sau, vào tháng 2 năm Đinh Hợi (1887), Đồng Khánh đã ban dụ nêu tội trạng và biện pháp trừng phạt đối với các bà vợ của mình. Sách Đồng Khánh chính yếu cho biết vua bực tức nói rằng: "Đặt ra chức vị phi, tần để chia nhau cai quản lục viện và kính cẩn cần mẫn, tiết kiệm cái ăn cái mặc hàng ngày, ngoài việc đó ra không có gì khác gọi là báo đáp Nào ngờ bọn sâu mọt đó cam tâm vứt bỏ ân huệ, mỗi ngày một thêm lười biếng. Vì vậy không thể không nghiêm khắc, tùy theo hạnh kiểm của từng người mà phân biệt nghị xử cho nghiêm nội cung.
Kết quả là vợ chính của vua là Hoàng quý phi do cai quản không tốt hậu cung nên bị nhắc nhở nghiêm khắc, Giai phi vì sớm biết hối lỗi nên được tha. Còn lại các phi tần khác, người thì bị vua đánh giá có cử chỉ thô tục, người bị coi là ham chơi bời lêu lổng, người thì bị quy kết có tính tham lam, đố kị nên đều bị giáng cấp. Trong bài dụ của mình vua còn răn rằng: "Nếu vẫn giữ thói ấy thì mệnh lệnh đã đưa ra pháp luật sẽ tuân theo mà thi hành, lúc ấy khó bảo toàn được vị thứ (Đồng Khánh chính yếu)”.
Vị vua cầu kỳ
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Sau khi thất bại trong việc cử Hoàng Kế Viêm ra Quảng Bình chiêu dụ vua Hàm Nghi về hàng, Chính phủ Pháp đã truất phế vua Hàm Nghi và thỏa thuận với Tam cung đưa hoàng tử Chánh Mông ưng Kỷ (Đường), con ruột của Kiên Thái Vương và là con nuôi thứ hai của vua Tự Đức lên ngôi, lấy niên hiệu là Đồng Khánh”. Đồng Khánh có nghĩa là: "Đồng là chung, "Khánh là niềm vui mừng”. Cả triều đình Huế khi đó cùng với Chính phủ Pháp kỳ vọng Đồng Khánh lên ngôi là niềm hài hòa giữa hai bên. Hiện, Tư lăng của vua Đồng Khánh tọa lạc tại địa phận thôn Thượng Hai, xã Thủy Xuân, thành phố Huế. Ông được thờ tại Tả tam án ở Thế miếu và Tả tam án điện Phụng tiên trong Đại nội kinh thành Huế. |
Vua Đồng Khánh để lại hơn 100 bà phi.Trong sinh hoạt thường nhật thời còn trị vì, nhà vua hay chú ý đến ngoại diện, thường chăm sóc trang điểm. F . Baille kể lại trong bài " Les Annamite " như sau: "Hàng ngày, một toán cung phi được chọn trong tất cả đẳng cấp phục dịch đức vua. Ba mươi người chia nhau canh gác xung quanh hậu cung của ngài, năm nàng luôn ở bên cạnh ngài, luân phiên chăm sóc, trang điểm cho ngài. Các nàng thay quần áo cho ngài, chải chuốt bộ móng tay dài hơn ngón tay, thoa dầu thơm, vấn khăn lụa vòng quanh đầu ngài. Sau cùng chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt xung quanh ngài sao cho thật hoàn hảo, năm cung phi này cũng kiêm lo hầu cơm nước cho đức vua.
Về trang phục, áo quần cung phi mặc phải theo đúng nguyên tắc quy định. Về màu sắc, không được dùng màu đen là màu tang tóc; màu trắng chỉ được dùng làm áo lót khi mặc áo mớ ba; màu đỏ, màu lục được dùng nhiều nhất. Màu vàng dành cho vua, hoàng thái hậu và hoàng hậu.
Thường nhật ngài dùng ba lần: "6 giờ sáng, mười một giờ trưa và năm giờ chiều. Mỗi bữa ăn có 50 món khác nhau do 50 đầu bếp nấu nướng cho Hoàng cung. Mỗi người lo nấu một món riêng của mình và khi chuông đổ thì trao cho đám thị vệ đưa qua đoàn Thái giám. Các ông này chuyển đến năm cung phi và chỉ có mấy nàng mới được hân hạnh quỳ gối hầu cơm đức vua". Theo Kể chuyện các vua Nguyễn, vua Đồng Khánh thích xem hát bội. Nhà vua đặt tên cho các cung phi sủng ái của mình theo các vị thuốc bắc trong vở hát đặc biệt yêu thích "Vạn Bửu trình tường" như: Đại Hoàng, Nhân Sâm, Cam Thảo...
Lý giải nguyên nhân
Có nhiều sử gia cho rằng, nguyên nhân khiến vua Đồng Khánh hà khắc với các bà vợ là do trong lòng ông luôn lo sợ mình yểu mệnh, chết sớm. Vì sách kể chuyện các vua Nguyễn Viết, Đồng Khánh đã xem bói biết rằng mình sẽ chết sớm. Nên rất cẩn thận việc ăn uống, sinh hoạt phòng the... Nên vua bắt các bà vợ phải vẹn toàn việc chăm sóc sức khỏe cho mình. Nhằm kéo dài tuổi thọ, thay đổi cơ trời nên vua Đồng Khánh rất thích đọc các sách về kinh dịch, bói toán, tìm hiểu những điều huyền bí. Chính thói quen này ông bắt các bà phi phải làm theo thói quen của ông. Với một ông vua còn trai trẻ như vậy (22 tuổi) thì đây là là một điều hiếm!... Nhà vua thường lên Huệ Nam điện cầu bái, lại sắc cho bộ Lễ, mỗi năm hai kỳ (mùa Xuân và mùa Thu) phải cử một vị quan đại diện triều đình đến nơi để dâng đồ lễ...
Lăng mộ vua Đồng Khánh
Thế nhưng, số trời đã định! Tuy vua rất sợ ngày kết thúc cuộc sống đời mình, nhưng nó vẫn đến. Sau 3 năm trị vì, Đồng Khánh nhuốm bệnh nặng, không ăn được thứ gì cả. Thỉnh thoảng, cơn sốt nổi lên, đầu nhà vua nhức như búa bổ. Quan ngự y người Việt không chữa được, kẻ bị quở trách, kẻ bị giam cầm. Trong số đó không ít cung tần mỹ nữ bị vạ lây, xử tội oan uổng.
Vua nhờ cả bác sĩ người Pháp, tên Cotte được cử sang chữa trị, nhưng không được ở lại trong cung, chỉ dặn dò các viên thái giám cách pha chế thuốc, rồi phải ra về. Bấy giờ, khi được bác sỹ người tây tư vấn, vua Đồng Khánh dường như xa lánh hẳn với các bà vợ. Thế nhưng dù đã cai chuyện phòng the, sau nửa tháng nhuốm bệnh, vua Đồng Khánh qua đời lúc 22h ngày 28 tháng Giêng năm 1889; thọ 25 tuổi và để lại hơn 100 bà vợ sống cảnh góa bụa trong hậu cung. Nhiều bà vợ của vua Đồng Khánh uất hận, u buồn nảy sinh buồn chán mà ra đi hoặc cũng chết theo vua.
Thành Nam