Sáng 9/7 tại KCN Vĩnh Lộc, Bình Chánh, TP.HCM, CTCP Bông Bạch Tuyết (Mã chứng khoán: BBT) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018. Tuy nhiên bất ngờ đã diễn ra khi trong số 2.367 cổ đông được mời, chỉ có 8 người tham dự hợp lệ với tỷ lệ cổ phần vỏn vẹn 0,95%.
Đại hội do đó không thể diễn ra. Bông Bạch Tuyết đã phải triệu tập Đại hội lần 2, dự kiến diễn ra vào ngày 25/7 tới.
Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết, được thành lập vào năm 1960 và chuyên sản xuất các sản phẩm bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ. Từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, công ty chuyển đổi hoạt động theo loại hình doanh nghiệp cổ phần và bước vào thời kỳ hoàng kim với việc chiếm lĩnh 90% thị phần sản phẩm bông y tế.
Đầu năm 2004, sau khi tăng vốn điều lệ bằng nguồn tiền tự tích luỹ, công ty đăng ký giao dịch lần đầu trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Bông Bạch Tuyết cũng bắt đầu lao dốc từ thời điểm này do cổ đông thường xuyên xảy ra xung đột, giá nguyên vật liệu leo thang, năng lực bán hàng không kịp đáp ứng lượng hàng sản xuất tăng đột biến…
Năm 2009, hơn 6,84 triệu cổ phiếu Bông Bạch Tuyết bị huỷ niêm yết trên sàn chứng khoán, đánh dấu đỉnh điểm cuộc khủng hoảng của thương hiệu nổi tiếng một thời.
Tình hình của Bông Bạch Tuyết chỉ khá hơn khi ban điều hành mới hiện nay được bổ nhiệm năm 2011, đặc biệt trong giai đoạn 2015-2017, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này được cải thiện đáng kể khi lãi sau thuế lần lượt là 11,4 tỷ đồng, 14,7 tỷ đồng và 14,2 tỷ đồng. Dù vậy, lỗ luỹ kế vẫn ở mức rất cao (61,9 tỷ đồng), xấp xỉ vốn điều lệ (68,4 tỷ đồng).
Ngày 12/6 vừa qua, cổ phiếu BBT đã quay lại sàn chứng khoán khi đăng ký giao dịch trên sàn UpCOM. Từ mức giá tham chiếu 2.300 đồng/ CP, cổ phiếu BBT đã có chuỗi tăng trần liên tục và hiện giao dịch quanh mức 14.000 đồng/ CP.
Năm 2018, Bông Bạch Tuyết đặt mục tiêu doanh thu bán hàng tăng 15% so với năm trước, lên 113 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế dự báo chỉ bằng 90% năm trước, tức xấp xỉ 13 tỷ đồng do công ty không còn được chuyển lỗ. Để thực hiện mục tiêu này, ban lãnh đạo công ty cho biết sẽ đa dạng danh mục sản phẩm phân theo nhóm chăm sóc sức khỏe – sắc đẹp, phục vụ y tế và thương mại; đồng thời cơ cấu lại hệ thống phân phối để giảm chi phí trung gian và tập trung vào kênh bệnh viện.
Công ty cho biết đã đàm phán và được một số chủ nợ như Agribank, ngân hàng Quân đội… đồng ý xem xét miễn, giảm lãi vay. Dù vậy, việc nằm trong danh sách đen tín dụng vẫn khiến công ty không thể vay thêm nhằm mục đích xoay vòng vốn, xử lý nợ tồn đọng.
Nhìn chung, tình hình tại Bông Bạch Tuyết dù đã được cải thiện đáng kể, song vẫn còn rất khó khăn. Tháng 5 vừa qua, dưới áp lực của các chủ nợ, cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã kê biên và lựa chọn tổ chức đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất cùng nhà xưởng của công ty tại KCN Vĩnh Lộc, Bình Chánh.