Vị hoàng đế này ra lệnh cấm phá thai và nhiều lần đã đề cập đến vấn đề này, tại điều 424 Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật) quy định: "Đem thuốc đọa thai làm cho người đọa thai, hay là người xin thuốc đọa thai, cũng đều bị xử tội đồ. Vì đọa thai mà chết thì kẻ cho thuốc mắc phải tội giết người".
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Thánh Tông đã có lần công bố lệnh cấm phá thai và cấm phá thai cho người khác nhưng vì hiện tượng đó vẫn gia tăng khiến vua rất bực tức, ngày 12 tháng 3 năm Giáp Thìn (1484) ông lại ban lệnh: "Nhắc lại việc đàn bà phá thai và phá thai cho người khác. Trước đây có lệnh cấm rằng: Loại đàn bà tàn nhẫn, vì muốn ít con cái để giữ lấy nhiều của, hoặc ngại việc sinh đẻ, muốn tránh khó nhọc, thấy mình có thai, dùng kế cho sẩy thai, thương tổn tính mệnh, làm hại luân thường, cùng là những kẻ phá thai cho người khác, đều phải tra xét, trị tội theo luật pháp. Thế mà chúng vẫn coi là tờ giấy lộn, vẫn theo thói cũ, tệ trước càng tăng, coi thường pháp luật, làm hư phong tục không gì hơn thế. Nay hãy nhắc rõ lệnh trước, răn cấm nghiêm hơn, nếu có người đàn bà nào như hạng nói trên mà mọi người đều biết, cùng là người chồng không biết răn cấm, đều trị tội theo luật pháp" (Đại Việt sử ký toàn thư)...
Luật nay: Thực hiện phá thai trái phép phạt đến 15 năm tù
Ngăn cấm phá thai vừa để bảo vệ luân thường, đạo lý xã hội mà còn bảo vệ chính tính mạng của người phụ nữ mang thai. Dưới góc độ pháp luật ngày nay, hành vi pháp thai sẽ bị xử lý như thế nào?
Ảnh minh họa.
Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng... Nghiêm cấm các cơ sở y tế và cá nhân làm các thủ thuật, phá thai, tháo vòng tránh thai nếu không có giấy phép do bộ Y tế hoặc sở Y tế cấp. Việc quy định như vậy là tôn trọng quyền tự do lựa chọn và tiếp cận dịch vụ y tế của từng người dân, nhằm đảm bảo quyền lựa chọn của phụ nữ và tôn trọng quyết định của họ khi có thai ngoài ý muốn...
Đến nay, văn bản liên quan có chế tài nghiêm khắc nhất là Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Theo đó Điều 243 quy định về tội "Phá thai trái phép" ghi rõ: Người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người đó hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Trường hợp phạm tội mà gây hậu quả nghiêm trọng thì phạt tù từ ba năm đến mười năm, phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Tuy nhiên đến nay, thực tế cũng rất ít trường hợp nạo phá thai gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân ấy là do chưa có bất kì một văn bản hướng dẫn nào cho quy định tại điều 243 Bộ luật Hình sự...
Tường Linh