Tư duy khai phóng của luật sư, mở ra các vấn đề mới trong xã hội
Năm 2019 là năm đánh dấu kỷ niệm tròn 10 năm hoạt động của văn phòng luật sư Trương Anh Tú thuộc đoàn luật sư thành phố Hà Nội. 10 hoạt động trên khắp các lĩnh vực, tên tuổi của luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch Công ty TAT Law firm) không còn xa lạ trong giới luật sư và cả nhiều người dân, doanh nghiệp. Đồng nghiệp mến mộ anh không chỉ bởi sự thông minh, nhiệt huyết mà còn bởi lối tư duy khai phóng, cách tiếp cận, nhìn nhận vấn đề vừa khác biệt, vừa sâu sắc.
Đối với luật sư Trương Anh Tú, ngay từ thời sinh viên, sự đam mê học hỏi cùng tình yêu với nghề đã giúp luật sư Tú nhanh chóng trưởng thành trong nghề.
Theo luật sư Tú chia sẻ, nghề luật sư là một nghề khó nhưng rất lý thú bởi được đi nhiều nơi, được tiếp xúc với nhiều người, biết nhiều mặt của đời sống xã hội. Để trở thành một người luật sư thực sự có bản lĩnh thì kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội phải sâu sắc, phải am hiểu tường tận về văn hóa, văn chương, xã hội, lịch sử… chứ tư duy, nhận thức không chỉ đơn thuần là gói gọn trong những văn bản luật.
Là một trong những luật sư có sức ảnh hưởng trong giới luật sư Việt Nam, luật sư Tú luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật và đạo đức khi hành nghề. Anh chia sẻ, giá trị của người luật sư không nằm ở những điều luật mà anh ta viện dẫn mà đòi hỏi người “thầy cãi” phải có tư duy khai phóng, sự kết hợp giữa kiến thức, chuyên môn và kinh nghiệm để mở ra những vấn đề mới, vận dụng những tri thức đóng góp cho xã hội.
Định hướng này của anh đã len lỏi vào nhiều tư duy của nhiều người dân, doanh nghiệp với hàng loạt các bài viết phân tích trên khắp các diễn đàn báo chí và trong thực tiễn hành nghề luật. Điển hình như các bài phân tích về “Cuộc chiến taxi công nghệ và taxi truyền thống”; chỉ ra những điểm bất hợp lý về đề xuất xây căn hộ 25m2 hay các góc cạnh pháp lý liên quan đến việc người dân mất trong tài khoản ngân hàng… Đây cũng chính là những góc nhìn của luật sư trong giai đoạn mới hiện nay.
Nói về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong thời gian qua, theo đánh giá của luật sư Tú, phải kể đến sự đóng góp, công sức lớn lao của giới luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư.
Chính họ đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng, dung dị và dễ hiểu tới đông đảo quần chúng nhân dân thông qua các câu chuyện, các tình huống pháp lý cụ thể trên báo chí.
Nhiều người tưởng rằng luật sư Trương Anh Tú chỉ chuyên sâu vào lĩnh vực kinh doanh thương mại, mà họ không biết rằng, bản thân luật sư cũng là người “mát tay” trong lĩnh vực hình sự.
Nhớ lại vụ án hình sự đầu tiên mà mình tham gia, lúc đó, Luật sư Tú nhận bảo vệ cho một người đàn bà đau khổ, ở ngoại thành Hà Nội.
Trong một lần khi đi đánh ghen, chị ta gặp tình địch của mình ở một con đường làng vắng vẻ, hai người phụ nữ có lời qua tiếng lại và có việc xô đẩy nhau. Trong quá trình hai người phụ nữ này to tiếng, xô đẩy nhau thì có một người dân cùng làng đi qua và biết được sự việc.
Sau đó, chị tình địch tố cáo người vợ là làm nhục chị ta giữa đám đông bằng hình thức xé quần, xé áo. Ngay lập tức, cô vợ bị bắt tạm giam 2 tháng. Lúc đó, luật sư Tú vào cuộc.
Luật sư Tú nhớ lại, thời điểm đó Hà Nội nắng như đổ lửa, nhiệt độ ngoài đường lên đến gần 50 độ. Luật sư đi xe máy khoảng 40km đến nơi xảy ra vụ án. Khi được người nhà chỉ cho quãng đường, vị trí hai người đàn bà xô xát. Dù mệt mỏi, nóng bức nhưng luật sư Tú vẫn reo lên “tôi đã tìm được căn cứ vô tội cho người vợ trên quãng đường đó”.
Theo luật sư Tú cho biết: Người phạm tội này phải là người có hành vi (hành động) được thể hiện bằng lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, lột quần áo giữa đám đông người, thỏa mãn thú vui xác thịt…
Làm nhục người khác là phải có nhiều người nhìn thấy, nhưng ở quãng đường vắng thì không thể có chuyện nhiều người nhìn thấy để thỏa mãn yếu tố làm nhục. Khi luật sư gặp nhân chứng thì lại càng củng cố thêm nhận định của mình. Theo nhân chứng khai, lúc đó 2 người đàn bà giằng co nhau, chỉ tuột một chiếc cúc áo chứ chưa hở hang, chưa ai bị thương tích gì.
Ngay sau đó, luật sư Tú chỉ mất 1 buổi nói chuyện với cơ quan điều tra và lập tức chị vợ được thả, vụ án được đình chỉ trong “im lặng”. Luật sư Tú đã không phải quá mất công để đạt được mục đích bảo vệ thân chủ của mình.
Có lẽ, điều khiến luật sư Tú thấy hạnh phúc nhất chính là một cái kết có hậu. Sau sự việc, vợ chồng chị này đã quay về với nhau. “Trong lúc người vợ bị bắt thì anh chồng rất ân hận, hết lòng vì vợ, không quản khó khăn, vất vả, tốn kém chạy vạy nhờ luật sư. Bản thân tôi cũng nhìn thấy tình yêu của người chồng trong cử chỉ, ánh mắt của anh ta kể chuyện về vợ cũng như ân hận trước sai lầm của mình”, luật sư Tú nhớ lại.
Liên tục trong suốt quá trình hành nghề sau đó, với kiến thức sâu rộng kết hợp việc vận dụng các kỹ năng thuần thục, nhạy bén trong cách xử lý mà luật sư Tú đã phá án thành công nhiều vụ, "chuyển bại thành thắng". Trong đó phải kể đến vụ án “dùi đục tưởng tượng”, minh oan cho bị cáo Đàm Thuận Thao (ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Hay vụ minh oan cho người vợ không có hành vi trộm tiền của chồng để xây nhà. Với những kiến nghị xác đáng của luật sư, chị Lê Thị Hải (35 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hóa) đã được Toà ra quyết định trả tự do cho bị cáo kể từ thời điểm hoãn phiên tòa.
Cái vỗ vai bạc tỉ
Nhớ lại câu chuyện về cái “vỗ vai triệu đô”, luật sư Trương Anh Tú nói: Dựa trên sự phản biện cùng các căn cứ pháp lý xác đáng của mình lan tỏa trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều sai phạm của các doanh nghiệp bị luật sư phanh phui.
Và điều làm luật sư Trương Anh Tú không bao giờ quên là cái vỗ vai 1 triệu USD từ một người anh có chức sắc.
Luật sư Tú kể: “Thông qua nhiều mối quan hệ, doanh nghiệp vi phạm dùng đủ mọi cách để mua chuộc tôi nhưng đều bất thành. Tôi hiểu rằng, chỉ cần 1 cái gật đầu, có thể số tiền bạc tỉ sẽ rơi vào túi tôi nhưng tôi đã khước từ lời đề nghị này”.
Việc này đồng nghĩa, luật sư sẵn sàng đương đầu với những chông gai phía trước do chính bên sai phạm tạo ra. “Bằng nhiều sự tác động nhưng không mua chuộc được luật sư, phía doanh nghiệp đã phản công bằng cách uy hiếp, rồi tạo ra một cơn bão nhằm hạ uy tín của luật sư.” Anh Tú nhớ lại.
Cũng theo anh chia sẻ: Suốt một thời gian, bản thân luật sư Tú và một số cộng sự phải đối mặt với vô vàn những trắc trở và tai ương. Tuy nhiên, sự dũng cảm và bản lĩnh người luật sư đã giúp anh đã từng bước vượt qua thử thách, tiếp tục lên án và bóc trần thủ đoạn gian dối của doanh nghiệp giúp cho hàng người người dân không bị mất tiền oan.
Kể lại câu chuyện này, luật sư Tú muốn nhấn mạnh, tính cống hiến của người luật sư ngày càng cao. Tuy cách thức cống hiến và mức độ khác nhau nhưng có một điểm chung trong quá trình hành nghề, các luật sư sẵn sàng cống hiến cho xã hội, bất chấp những hiểm nguy để hoàn thành sứ mệnh của luật sư, góp phần bảo vệ công lý.