Khi “ông già Noel” quá tải
Trong những ngày cận kề lễ Giáng sinh, PV báo Người Đưa Tin cũng đã tìm hiểu về công việc “đến hẹn lại lên” của những người hóa thân thành ông già Noel đi phát quà.
Có 7 năm làm công việc ông già Noel đi phát quà, anh Thạnh (SN 1989, Quảng Ninh), đang sinh sống tại Hà Nội bộc bạch: “Cứ tầm tháng 12 nhu cầu khách cao, phục vụ không xuể, tôi phải gọi các bạn của tôi làm cùng. Thế rồi, cứ hết năm này qua năm khác các vị khách cũ vẫn gọi. Có những cô cậu bé lớp 3 lớp 4 năm nào nay đã vào học THPT mà gia đình đó vẫn gọi tôi đi tiếp vì họ có bé nhỏ hơn. Cứ thế, tôi bén duyên với “nghề” ông già Noel”.
Dù háo hức được trao quà cho các bé, nhưng thời gian đầu, anh Thạnh gặp không ít khó khăn, vất vả. Anh kể: “Vì những năm gần đây dịch vụ này có nhu cầu lớn, lượng người có thể làm được lại mỏng nên việc phát quà cho trẻ quả thật là công việc quá tải. Có buổi sáng, tôi mở mắt ra thấy màn hình điện thoại hiện lên 30 cuộc gọi nhỡ, chưa kịp ăn gì đã phải đi làm luôn, đến bữa trưa chỉ ăn tạm ổ bánh mỳ”.
Là một người có kinh nghiệm, anh Thạnh đúc rút ra không ít bài học cần ghi nhớ khi đi trao quà: “Trước khi đi trao quà cần tìm hiểu kỹ địa điểm tránh lạc đường, chuẩn bị quần áo ông già Noel, râu, mũ, chuẩn bị kịch bản giao lưu với trẻ. Thiếu 1 cái găng tay cũng không được vì như thế trẻ sẽ phát hiện ông già Noel là giả.
Thêm nữa, yêu cầu bắt buộc đối với người làm dịch vụ hóa thân ông già Noel, khi bước vào nhà không được phép quên tên trẻ, học thuộc lòng những điều mà phụ huynh cần ông già Noel dặn giúp như: Con phải ngoan, phải học giỏi hay không được khóc nhè, “con phải vâng lời bố mẹ, thầy cô giáo nhé”...
Không có thâm niên làm dịch vụ 7 năm liền như anh Thạnh, anh Nguyễn Tuấn Anh (SN 1992, Nam Định) hiện là nhân viên của một công ty thiết kế tại Hà Nội cho hay: “Dù mới bén duyên nhưng tôi rất thích công việc này”...
“Tôi nhận phát quà cho các bé trong các gia đình quanh Hà Nội, khi mình có kinh nghiệm, được tin tưởng, người nọ truyền tai người kia họ biết đến tôi và những cộng sự của tôi. Rồi các trường mầm non, tiểu học cũng thuê.
Mỗi một lần phát quà tôi phải căn ke làm sao cho kịp giờ còn đi đến các điểm khác. Có hôm về đến nhà đã quá nửa đêm”, anh Tuấn Anh chia sẻ về công việc của mình.
Bị trẻ em bao vây
“Trong những năm đi phát quà, kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là một lần tôi đến một gia đình, những tưởng họ giàu có lắm nhưng khi đến nơi thì thấy căn nhà tuềnh toàng, trước mắt tôi là người phụ nữ với gương mặt khắc khổ và bên cạnh là một bé gái khoảng 6 tuổi, rất xinh xắn.
Trao quà xong tôi nhận 100.000 đồng phí dịch vụ nhưng trong đầu vẫn luôn thắc mắc không hiểu lý do gì người mẹ nghèo này lại làm như vậy. Tôi quay lại hỏi nhỏ, thì được chị ấy nói rằng: “Con gái tôi thiệt thòi vì không có bố bên cạnh từ lúc sinh ra, tôi cũng chưa nói lý do tôi là mẹ đơn thân, ao ước của con là được nhận một món quà của bố vì thế tôi muốn nhờ ông già Noel thực hiện ước mơ của con gái”.
Nghe xong, tôi không lấy tiền phí nữa mà gửi lại chị và chúc hai mẹ con có mùa Giáng sinh ấm áp. Đây là kỷ niệm có lẽ không bao giờ tôi quên”, anh Tuấn Anh xúc động.
Còn với anh Thạnh, suốt 7 năm làm dịch vụ trao quà cho trẻ mùa Giáng sinh, cũng có rất nhiều kỷ niệm. Anh kể: “Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất chính là lần đến phát quà cho trường tiểu học Thực nghiệm. Khi tôi xuất hiện với bộ trang phục ông già Noel, tôi đã bị các em nhỏ của trường bao vây đòi quà một cách quyết liệt, tôi chạy nhưng không thoát được, may là có cô giáo giúp nên mới thoát khỏi đám trẻ đang nhao nhao”.
Dù là công việc thời vụ nhưng anh Thạnh cho biết không thể làm cho có lệ, mà làm bằng trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng không thể không xảy ra những sự cố ngoài ý muốn. Nhưng điều anh sợ hơn cả đó chính là thất hứa với trẻ.
Anh Thạnh tâm sự: “Mỗi năm có hàng trăm khách hàng thì cũng có 1-2 ca không ổn. Còn nhớ, năm 2012 tôi bị rơi điện thoại nên không có số liên hệ, cũng chẳng có địa chỉ của khách nên bị trễ sang ngày hôm sau. Hoặc cũng có năm điện thoại hết pin phải vào sạc nhờ, nếu sạc nhanh thì dù đến muộn cũng không vấn đề, tôi chỉ sợ nhất là gặp sự cố không thể tới phát quà được mà phải thất hứa.
Thường nếu không đến được, các gia đình họ đều thông cảm và mình xin lỗi họ. Chỉ duy nhất có một năm tôi đánh rơi hết tiền, điện thoại, giấy tờ nên không kịp xin lỗi khách, đến ngày hôm sau bị khách hàng mắng xối xả".
Nói về thu nhập, anh Thạnh cho hay, vì là công việc thời vụ, nên trung bình mỗi một mùa Noel, một người sẽ kiếm được 2-3 triệu đồng, hoặc ai đi nhiều sẽ kiếm được khoảng 5-6 triệu đồng. Đêm cao điểm nhất của những “ông già Noel” đó là ngày 23, 24/12, thu nhập khi ấy có thể lên đến 1 triệu đồng/đêm.
“Tôi không biết với những người làm dịch vụ này thế nào, nhưng với tôi công việc này có quá nhiều kỷ niệm. Thế nên, hiện giờ dù đã có một công việc ổn định thì tôi vẫn cố gắng thu xếp thời gian để đi phát quà cho trẻ”, anh Tuấn Anh khẳng định.