Tây sang Việt Nam học... làm nông dân
Khu du lịch sinh thái Đồng Quê (Ba Vì, Hà Nội) là một trong những khu du lịch đầu tiên áp dụng mô hình du lịch sinh thái, do ý tưởng của tiến sỹ Ngô Kiều Oanh, vì nhận thấy đây là vùng đất có lợi thế với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch đồng quê với những vườn rừng, đồi chè, nương lúa rất hay. Ba Vì còn nổi tiếng với đặc sản như sữa tươi Ba Vì, mật ong rừng, gà đồi, dê, cừu và nhiều cây thuốc nam quý của người Dao đỏ có tác dụng tốt cho sức khỏe, được nhiều du khách nước ngoài ưa thích.
Điều thú vị là với mô hình du lịch đồng quê, du khách sẽ được hai cùng đó là cùng trải nghiệm và cùng thưởng thức thành quaả́ cùng với người nông dân, biết cách cắm mạ xuống bùn, cách mò cua, bắt ốc, được tận tay chăn dắt những đàn dê trên đồng cỏ xanh mát...
Chị Campell đang học làm nông dân bằng hình thức tập cấy lúa
Anh Jake Konaff đến từ Anh chia sẻ: "Thực sự đây là một chuyến đi đáng nhớ trong đời tôi. Lần đầu tiên tôi được làm "chủ" của những vùng đất tươi đẹp này, được hòa cùng không khí làm việc của người dân bản địa nơi đây chứ không chỉ đứng để quan sát. Làm người nông dân rất khó và cần phải chuyên nghiệp". Vừa trả lời chúng tôi, Jake vừa thoăn thoắt cấy nốt những cây mạ cuối cùng trên mảnh ruộng tuy còn hơi vụng về, lóng ngóng.
Không chỉ riêng Jake mà hầu hết du khách Tây đến đây thường rất tỏ ra thích thú với mô hình du lịch dân dã thôn quê này. Đầu tiên, các "vị khách" sẽ được cấp cho những bộ đồ áo nâu sồng, quần lĩnh đen và nón lá để đúng "chính hiệu" nhà nông. Sau đó, dưới sự hướng dẫn của hướng dẫn viên và người dân bản địa, các "nông dân tập sự" sẽ lội xuống những thửa ruộng đã được chuẩn bị đầy đủ mạ giống, trâu, cày bừa cho du khách thực hành.
Do chưa quen lội ruộng nên khách nhanh chóng mệt nhoài, mồ hôi nhễ nhại dưới cái nắng 38 độ C trên mảnh ruộng có lúc xảy ra tình huống dở khóc, dở cười. Đó là dù đã được chị phiên dịch hướng dẫn khách Tây phải hô hò, hò (đứng lại) khi muốn con trâu đứng lại thì các vị này luôn miệng "stop, stop" nên những con trâu vẫn đi, khiến cho các "vị khách" tỏ ra bất lực và tìm kiếm sự "viện trợ" từ những người xung quanh. Đến khi giải thích cho khách Tây thì họ mới nhận được trận cười vỡ bụng.
Chị Nguyễn Thu Hiền- hướng dẫn Viêt du lịch Rainbow chuyên thực hiện nội dung "1 ngày làm nông dân phố cổ" cho biết: “Hình thức du lịch hoàn toàn độc đáo, mới mẻ này đang rất hấp dẫn khách quốc tế. Nó không chỉ là một sản phẩm du lịch đầy tiềm năng với các công ty lữ hành mà còn giúp quảng bá hình ảnh của Hội An ra bạn bè thế giới. Khách đến Việt Nam thường lựa chọn các vùng để "đăng ký tham gia" làm nông dân như: Ba Vì, Hội An, Đà Nẵng... Khách đến đây sẽ được giới thiệu về văn hóa, tập quán lao động nông nghiệp của người Việt Nam đồng thời tôn vinh cái đẹp của cái nghề quá quen thuộc đối với đại đa số người dân Việt Nam.
Vợ chồng ông Jonh Lenonka (đến từ Hà Lan) cho biết tâm trạng của mình sau khi tham gia các công đoạn làm nông: “Sau khi qua những việc làm cày, cấy, tôi cảm thấy rất thích thú với những việc làm của nhà nông, tôi càng yêu mến nền văn hóa lúa nước của các bạn! Ruộng lúa của các bạn, cánh đồng của các bạn thật tuyệt vời! Đây thật sự là những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa với chúng tôi”.
Còn chị Harbara Campell thì cho biết: “Thật là tuyệt vời quá. Đất nước các bạn rất thân thiện. Sau khi trải qua những việc làm khó nhọc của nhà nông, tôi cực kỳ ấn tượng, thú vị với tour du lịch này. Sau này lúa chín chúng tôi sẽ trở lại để thu hoạch! Tôi chân thành cảm ơn các bạn”.
Chuyên nghiệp hóa du lịch – Bản chất cội nguồn
Ông Trần Trí, Phó giám đốc điều hành khu du lịch sinh thái Đồng Quê (Ba Vì- Hà Nội) cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp nhiều hơn với những người nông dân để cố gắng giải quyết nhiều thêm nữa việc làm cho nông dân để gắn kết họ với chúng tôi. Với tôi, du lịch sinh thái cộng đồng phải để cho người dân cùng có lợi. Và đây là một hướng đi chuyên nghiệp của du lịch, dựa vào những tài nguyên thiên nhiên sẵn có và sự giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của con người nơi đây. Có những mùa cao điểm du lịch như tháng 3, tháng 4 thì mỗi ngày có khi chúng tôi đón tiếp gần 500 vị khách, chủ yếu là đến từ Mỹ, Pháp và Nhật Bản, Hàn Quốc...”.
Khách đến đây, thường rất kỹ tính, họ thích có một phong thái chuyên nghiệp và thích những thứ tự nhiên của phông văn hóa người bản địa. Đến đây, không khó để tìm ra những người nông dân cả đời không biết đến con chữ nhưng nói tiếng Anh sõi hơn tiếng Kinh, thậm chí có thể nói được mấy ngôn ngữ cùng một lúc. Điều đó khiến cho các du khách tỏ ra thán phục.
“Đó là thứ tiếng bồi thôi chứ tôi chẳng học qua trường lớp đà tạo nào cả. Nói thật, chứ đến đọc chữ bản thân tôi còn không biết nữa là. Muốn trò chuyện, trao đổi với khách thì phải biết nói tiếng Anh thành thạo. Mà muốn học tiếng thì chỉ có cách ra chợ, ra đường nghe người ta nói rồi bắt chước là nhanh nhất”, bà Hoàng Thị Me bật mí về khả năng nói tiếng Anh của mình.
Bà Hoàng Thị Me, năm nay đã 65 tuổi nhưng hàng ngày cụ vẫn tham gia dự án du lịch sinh thái đồng quê với nhiệm vụ hướng dẫn khách cách làm bánh tẻ, bánh nếp. Bà tâm sự: "Từ bé tới giờ, tôi không nghĩ là mình có thể kiếm tiền bằng những công việc đơn giản như thế này. Trước giờ làm ruộng, gói bánh cũng chỉ vì để kiếm cái ăn. Còn bây giờ, chỉ cần ngồi làm hướng dẫn cho khách, chỉ cho khách cách làm thế nào, nguồn gốc có từ đâu... cũng có thể kiếm được 1 tháng lên tới 3 triệu đồng".
Không chỉ khách du lịch nước ngoài ưa chuộng mà mô hình sinh thái đồng quê cũng đã thu hút được các đối tượng người Việt tham gia, nhất là các em thiếu nhi trong kỳ nghỉ hè. Để các em hiểu được nguồn cội của tổ tiên mình, biết đến nền văn minh trồng lúa nước là một nét đẹp truyền thống của người Việt.
Tây nếm trải “cảm giác đầu đời” làm nông dân Việt Có thể đây là lần đầu tiên trong đời những ông bà Tây khi họ biết đến những điều thú vị này, vì không chỉ được hướng dẫn cày cấy mà họ còn được hướng dẫn giã gạo, thổi lửa nấu cơm, vắt sữa bò... Những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa mà họ chưa bao giờ được nghe kể về nền văn hóa lúa nước của người Việt, mà giờ còn được tự mình tham gia vào mô hình sản xuất đó. |
Bảo Hằng