Người phát ngôn của Không quân Trung Quốc, Shen Jinke cho biết cuộc tuần tra này “là một biện pháp phòng thủ và đúng quy định quốc tế”.
Hôm 25/11, Mỹ đã cho hai máy bay ném bom B-52 bay ngang vùng nhận dạng phòng không mới mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố cuối tuần trước. Tuy nhiên, Trung Quốc sau đó chỉ nói đã "giám sát các chuyến bay" mà không có bất kỳ phản ứng gay gắt nào.
Sáng 28/11, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tuyên bố đã điều máy bay vào vùng ADIZ mới của Trung Quốc. Phía Nhật Bản cho biết máy bay của lực lượng phòng vệ nước này đã "hoạt động tuần tra" thường lệ qua vùng biển Hoa Đông. Chuyến bay của Nhật Bản và Hàn Quốc đều ‘bình an vô sự’, không gặp sự cố nào.
Thay vì ngăn chặn máy bay của Mỹ, Hàn, Nhật thì Trung Quốc phản ứng bằng cách điều máy bay chiến đấu tuần tra vào vùng phòng không mới. Các chuyên gia quốc tế cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực một cách yếu ớt để không bị quốc tế chế nhạo.
Tuy nhiên để giữ thể diện, rất có thể Bắc Kinh sẽ gia tăng thêm nhiều cuộc tuần tra trong vùng này. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang, giới quan sát cảnh báo.
Việc Mỹ đơn phương tuyên bố vùng nhận diện phòng không mới đã thúc đẩy Mỹ sát cánh với Nhật Bản. Đây cũng là cơ hội cho Mỹ trong chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á-Thái Bình Dương, tờ The Wall Street Journal dẫn lời các chuyên gia quốc tế bình luận.
Ngày 2/12, phó tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ lên đường đến Trung Quốc để nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo Trung Quốc về vùng ADIZ, truyền đạt mối quan ngại của Mỹ và nghe lời giải thích rõ ràng của Trung Quốc về động thái đơn phương xác lập vùng ADIZ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hôm 27/11có cuộc điện đàm dài 30 phút với người đồng cấp Nhật Bản, ông Itsunori Onodera. Ông Hagel đảm bảo rằng động thái của Trung Quốc sẽ không làm thay đổi các hoạt động quân sự của Mỹ. Hai bên đã nhất trí hợp tác tìm cách gây sức ép buộc Trung Quốc phải từ bỏ vùng ADIZ mới thiết lập.
L.A (Tổng hợp)