Kiên cường đánh giặc
Nói đến xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, nhiều người liền nghĩ đến xã anh hùng từng che chở cho nhiều cán bộ cách mạng, đồng thời đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trước năm 1954, xã Đắk Phơi có tên là Tông Brung là vùng đất của người Mnông Gar sinh sống. Đến năm 1956, xã đổi tên thành Lăk Yo Mbiêng. Những năm 1966, khi Mỹ - Diệm đàn áp mạnh mẽ, xã Đắk Phơi được gọi là xã 2 và cũng chính nơi đây được chọn làm khu căn cứ cách mạng H10 (tức huyện Lắk ngày nay).
Là một trong những nhân chứng lịch sử hiếm hoi còn sống sót, ông Y Thân Lông Dưng, tên thường gọi là Ama Phương, SN 1950, trú tại buôn Pai Ar, xã Đắk Phơi cho biết, những năm 1960-1965, chiến tranh ở nơi đây diễn ra vô cùng khốc liệt, quân địch tấn công, rải bom, đạn không kể ngày đêm nhằm thực hiện ý đồ xóa trận địa căn cứ cách mạng.
Hơn nữa, với âm mưu chặn đứng việc tiếp viện cho cách mạng, khi phát hiện người dân trồng mì, lúa..., địch lập tức rải chất độc hóa học để cây trồng không thể phát triển và chết dần, chết mòn. Dã tâm này, đã đẩy người dân nơi đây vào cuộc sống đói khổ triền miên. “Thời điểm lúc đó, cái đói và bom đạn của quân xâm lược đã cướp đi mạng sống của hơn 1.000 người dân và cán bộ cách mạng tại xã Đắk Phơi”, ông Y Thân nhớ lại.
Thế nhưng, với truyền thống anh hùng, không lùi bước trước khó khăn, gian khổ, quân và dân xã Đắk Phơi vẫn một lòng theo cách mạng đến cùng, kiên cường chống giặc. Dù phải “nếm mật nằm gai” ở trong rừng nhưng quân và dân ta vẫn ngày đêm chiến đấu, bảo vệ khu căn cứ và làm nên những chiến công vang dội khiến kẻ thù phải khiếp sợ.
Nói đến đây, ông Y Bang Liêng Hót, SN 1959, trú tại buôn Pai Ar, xã Đắk Phơi cho hay, trước tình hình quân địch dội bom, đạn không kể ngày đêm, cán bộ cách mạng đã tìm cách sơ tán người dân đến những nơi an toàn, những nơi mà địch không thể phát hiện như khe suối, hang đá. Không những thế, người dân vào rừng chặt lồ ô về vót hàng ngàn mũi chông, đào hầm chông, đặt bẫy để cùng bộ đội đánh địch. Những vũ khí thô sơ ấy đã khiến cho quân địch vô cùng sợ hãi và không dám vào khu căn cứ.
Cùng với nhiệm vụ chiến đấu, người dân xã Đắk Phơi không ngại khó khăn, gian khổ, thường xuyên băng rừng, lội suối đi gùi nhu yếu phẩm, vải, quần áo, đạn dược... phục vụ cho cách mạng để bộ đội yên tâm chiến đấu trong rừng.
Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt, người dân xã Đắk Phơi còn ăn than thay muối, đồng cam cộng khổ để kháng chiến đến hơi thở cuối cùng. Ông Y Bang kể lại: “Những năm chiến tranh ác liệt, người dân xã Đắk Phơi khốn khổ vì thiếu muối ăn. Thế nhưng, với bản năng sinh tồn, người dân lấy tranh lợp trên mái nhà hoặc vỏ chuối rừng phơi khô để đốt thành tro rồi tán nhuyễn. Sau đó, bỏ nước vào lọc lấy nước rồi dùng để nấu ăn thay muối”.
Khó khăn, thiếu thốn chồng chất nhưng quân và dân nơi đây luôn đùm bọc lẫn nhau. Theo ông Y Bang, vào năm 1969, một cán bộ dân quân của xã vô rừng săn thú rừng cho người dân ăn cho đỡ đói và đổi lấy muối để chia cho dân ăn. “Tôi còn nhớ, lúc đó mỗi gia đình được cho 1kg muối. Với số muối quý giá này, mọi người đều bảo ban nhau sử dụng dè dặt, mỗi lần chỉ dùng 1-2 hạt muối. Nhờ vậy, 1kg muối đó được sử dụng trong vòng 3-4 năm”, ông Y Bang nói.
Để không bị bỏ mạng vì đói, người dân xã Đắk Phơi rủ nhau vào rừng đào củ mài, hái măng, rau rừng về ăn cho qua bữa. Đồng thời, dùng vỏ cây kết lại, làm áo mặc để không bị muỗi, vắt tấn công. Đáng nói, dù cái đói bủa vây nhưng những năm chiến tranh nhưng người dân xã Đắk Phơi đã đóng góp hàng trăm tấn lương thực, hàng nghìn ngày công để tiếp tế cho cách mạng.
Đổi thay sau ngày giải phóng
Với tinh thần chiến đấu quật cường, anh dũng, trong những năm 1966-1975, quân và dân xã Đắk Phơi đã đẩy lùi hàng chục trận càn, oanh tạc của kẻ thù. Hàng trăm lính Mỹ - ngụy và một máy bay ném bom đã bị bắn hạ khi thực hiện âm mưu bình định các vùng giải phóng, vùng căn cứ cách mạng.
Cũng nhờ sự đóng góp lớn lao ấy của nhân dân, những vùng căn cứ cách mạng trọng yếu ấy ở Tây Nguyên luôn được giữ vững, phát triển và mở rộng trên toàn chiến trường thời chống Mỹ. Cho đến ngày 17/3/1975, toàn huyện H10 (tức huyện Lắk ngày nay) được giải phóng hoàn toàn trong niềm vui, hạnh phúc vỡ òa của người dân và lực lượng cách mạng.
Sau giải phóng, xã 2 được đổi tên thành xã Đắk Phơi. Đến năm 1977 xã Đắk Phơi được Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây cũng chính là động lực để chính quyền và nhân dân nơi đây ngày càng vươn lên, cùng nhau xây dựng xã nhà ngày càng giàu mạnh.
Đến nay, sau 48 năm ngày giải phóng, xã Đắk Phơi đang từng ngày “thay da đổi thịt” hoàn toàn, cơ sở vật chất khang trang, cuộc sống ngày càng ấm no, tiến bộ. Đây là nơi sinh sống của 5 dân tộc anh em trong đó người Mnông chiếm tỉ lệ 90%.
Từ một xã đói nghèo bủa vây, chiếm hơn 70% dân số (cách đây hơn 20 năm) thì hiện nay tỉ lệ hộ nghèo toàn xã đã giảm xuống còn hơn 40%. Tổng thu nhập của toàn xã năm 2022 là hơn 155,9 tỷ đồng, bình quân đầu người là hơn 20,7 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong năm là hơn 7,7 tỷ đồng, đạt 117,22% kế hoạch HĐND xã giao và 115,13% dự toán huyện giao.
Theo ông Y Bang, để có được những kết quả như ngày hôm nay, người dân và chính quyền địa phương đã nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Vượt qua mọi khó khăn, chính quyền và nhân dân đồng sức, đồng lòng cùng sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về giải quyết đất ở, đất sản xuất và các chương trình an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo… nên bộ mặt nông thôn khởi sắc, cuộc sống của người dân no ấm, đủ đầy.
Đặc biệt, cán bộ địa phương ngày càng được trẻ hóa, có trình độ, năng lực và tiếp thu nhiều khoa học - kỹ thuật hiện đại để áp dụng vào sản xuất của người dân. Nhờ vậy, giúp cho cuộc sống của nhân dân ngày càng ổn định và phát triển.
Khánh Ngọc