Vùng đất Thị Nghè xưa và nay

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Vùng đất Thị Nghè nổi tiếng nay đang ngày càng "thay da đổi thịt". Những công trình, cảnh quan khang trang, sạch đẹp thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục được xây dựng nhiều hơn hòa cùng với sự phát triển chung của thành phố.

Đất Thị Nghè cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh chỉ một con rạch. Con rạch này theo cách gọi của người Cao Miên ngày xưa là Prêk Kompon Lư, còn theo cách gọi của người Việt gọi là rạch Nghi Giang, rạch Bình Trị hay một cái tên thân thuộc mà ta vẫn thường hay gọi rạch Thị Nghè.

Địa danh Thị Nghè hay còn gọi là Bà Nghè, Mụ Nghè vốn là những danh xưng chỉ bà Nguyễn Thị Khánh, Trưởng nữ của quan Khâm sai Chánh thống Vân Trường Hầu Nguyễn Cửu Vân. Theo Trịnh Hoài Đức, bà Nguyễn Thị Khánh có chồng là thư ký mỗ nên người đương thời gọi là Bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ bà có tên ấy là do lúc đầu bà khai chiếm đất ở rồi bắc cầu ngang qua để tiện việc đi lại nên gọi là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè. Ngày nay, địa danh Thị Nghè thường được hiểu là vùng hữu ngạn rạch Thị Nghè bao gồm các phường 17, 19, 21, 22 thuộc quận Bình Thạnh.

Thị Nghè là một vùng đất cao được bao quanh bằng sông Sài Gòn và nhiều con rạch chằng chịt, nằm trên đường thiên lý Bắc Nam. Đoạn đường thiên lý từ cầu sơn nối lỵ sở Gia Định với các tỉnh phía Bắc được Điều khiển Nguyễn Hữu Doãn tiến hành năm 1748. Vùng Thị Nghè xưa là nơi có khu ruộng Tịch Điền, đàn Xã Tắc, miếu thờ Thần Nông, đàn Tiên Nông (những cơ sở này nằm trước nhà thương dưỡng lão, nay là Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè), miếu Văn Thánh, miếu thờ Đức Khổng Tử, trường tỉnh học Gia Định.

Trên địa bàn Thị Nghè cũng từng có một số cơ sở công nghiệp như: Hãng Chén (nay là Công ty sứ Thiên Thanh), nhà máy Dây thép Thị Nghè (nay là Công ty vật tư Bưu Điện), hãng Dầu Phú Mỹ, hãng Ô tô buýt (nay là trường Phú Mỹ), hãng Mỡ Guyonnet… Thị Nghè cũng là nơi xuất hiện một trong những nhà in đầu tiên của đất Sài Gòn: Nhà in kiêm nhà sách Joseph Nguyễn Văn Viết ra đời năm 1917…

Bài Gia Định vịnh có miêu tả về con rạch này như sau: "Coi ngoài rạch Bà Nghè/Dòng trắng hây hây tờ quyến trải/Ngó lên giồng Ông Tố/Cây xanh mù mịt lá chàm rai...".

Rạch Thị Nghè bắt nguồn từ Bàu Cát chảy qua kênh Nhiêu Lộc rồi hợp nguồn với sông Sài Gòn gần chỗ nhà máy đóng tàu Ba Son. Rạch Thị Nghè được tính từ cầu Nguyễn Văn Trỗi đến sông Sài Gòn dài khoảng 4,5 km, chảy uốn khúc bao quanh thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ. Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hòa Đức cũng có miêu tả về con sông này: Sông Bình Trị tục gọi là sông Bà Nghè ở địa phận tổng Bình Trị về phía Bắc trấn, từ sông Tân Bình quanh sau trấn lỵ đến cầu Ngang, ngược dòng lên Tây độ bốn độ rưỡi đến cầu Cao Miên, chảy về Tây Bắc độ hai dặm đến chợ Bà Chiểu, chảy về phía Nam độ bố dặm đến Phú Nhuận, sáu dặm rưỡi đến cầu Huệ là cùng nguyên, nơi đây có những ao vũng tản mạn.

Cầu Thị Nghè thuộc tổng Bình Trị Trung, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình dài 9 trượng (khoảng 15m) được xây dựng vào thế kỷ 18, đến năm 1836 (tức năm Minh Mạng thứ 17) thì sửa chữa lại. Tương truyền, Bà Nghè thương chồng ngày ngày phải đi đò vào thành Phiên An làm việc vất vả nên đã cùng dân chúng quyên góp dựng cầu cho chồng và nhân dân đi lại. Thế nhưng, việc dựng cầu là một ý đồ quan sự cũng như kinh tế của dòng họ Nguyễn Cửu Vân nằm nối liền con đường thiên lý với Sài Gòn. Cây cầu này được miêu tả trong bài Gia Định phú rằng: "Cầu Thị Nghè cùng nơi Chợ Quán/Chúa Giê Su đắc ý vểnh râu/Chùa Cẩm Đệm trải đến Cây Mai/Phật Bồ Tát phải nghèo ôm bụng…".

Chợ Thị Nghè cũng do bà Nguyễn Thị Khánh xây dựng. Năm 1837, Sở Thuế Thị Nghè đã thu được số thuế cao nhất nhì Nam Kỳ thời bấy giờ với 13.000 quan. Chợ Thị Nghè nằm cạnh Giáo sứ Thị Nghè được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, đồng thời cũng nằm đối diện với Thảo Cầm Viên được thành lập vào tháng 3/1864 và nhà tù Phú Mỹ nơi Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Bảy từng bị giam giữ với cái án tử hình.

Trong Cách mạng Tháng Tám, rạp hát Thị Nghè cũng là nơi diễn ra cuộc mít tinh tuyên bố thành lập Mặt trận Việt Minh. Các nghệ sĩ cải lương kỳ cựu như Năm Phỉ, Bảy Nam, Kim Cương đã từng đến đây trình diễn vào giữa thế kỷ 20. Trong ngày 30/04/1975, hai chiếc xe tăng của quân đội Sài Gòn bị bắn cháy giữa cầu Thị Nghè, hang ổ đề kháng cuối cùng của địch trên đường Quân Giải Phóng tiến vào Dinh Độc Lập.

Trung Nguyên


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.