Vùng Đông Nam Bộ sẽ là nơi thí điểm cơ chế, chính sách tạo đột phá

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 6, 15/12/2023 16:36

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu hoàn thiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ theo tư duy đổi mới, đột phá với sự liên kết giữa các quy hoạch chuyên ngành, địa phương.

Ngày 15/12, Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng đã tổ chức Phiên họp thẩm định Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng chủ trì.

Báo cáo tại phiên họp, ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ là quy hoạch vùng thứ 3 được Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định (sau quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Longvà quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung).

Hiện nay đã có 108/111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch đã hoàn thành việc lập, trình thẩm định; đến nay đã có 19 quy hoạch cấp quốc gia, 1 quy hoạch vùng và 33 quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nội dung quy hoạch vùng được hoàn thiện, trình Hội đồng thẩm định tập trung vào một số nội dung cốt lõi. Quan điểm là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030; phát triển với mục tiêu tăng trưởng cao, dựa vào 3 trụ cột chính: con người - thiên nhiên - truyền thống văn hóa, lịch sử; lấy con người là trung tâm, thiên nhiên là nền tảng, truyền thống văn hóa lịch sử là động lực cho phát triển.

Tiêu điểm - Vùng Đông Nam Bộ sẽ là nơi thí điểm cơ chế, chính sách tạo đột phá

Ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại phiên họp (Ảnh: MPI).

Phát triển vùng thành một trung tâm, đầu tàu, mô hình mẫu về phát triển kinh tế - xã hội và là trung tâm lớn nhất về kinh tế - xã hội của đất nước.

Cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp, dịch vụ, du lịch; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, công nghệ cao; phát triển nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Về cấu trúc phát triển gồm 3 tiểu vùng; 6 hành lang kinh tế và vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ; 2 hành lang xanh - sinh thái gắn với các lưu vực sông; vùng động lực quốc gia với Tp.HCM là cực tăng trưởng; Phân bố lại không gian công nghiệp - đô thị gắn với chuyển đổi các khu công nghiệp theo mô hình hiện đại, sinh thái, tuần hoàn;

Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, ưu tiên phát triển công nghiệp bán dẫn, sản xuất chíp, phát triển dịch vụ tài chính theo hướng đưa Tp.HCM trở thành trung tâm tài chính toàn cầu;

Phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng kết nối như: đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị nội vùng, cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng Cái Mép - Thị Vải; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng, kết nối với khu vực. Tập trung xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Tp.HCM.

Tiêu điểm - Vùng Đông Nam Bộ sẽ là nơi thí điểm cơ chế, chính sách tạo đột phá (Hình 2).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận phiên họp (Ảnh: MPI).

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của quy hoạch vùng Đông Nam Bộ đối với việc cụ thể hoá quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch chuyên ngành quốc gia.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vùng Đông Nam Bộ phải thay đổi tư duy phát triển khép kín, cục bộ sang liên kết với các vùng, địa phương khác về cả kinh tế, thương mại, văn hoá, du lịch… bằng các hành lang phát triển, đô thị được kết nối bằng hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.

Bên cạnh đó, Quy hoạch cần xác định những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới cơ cấu kinh tế vùng Đông Nam Bộ, khai thác tối đa lợi thế khác biệt.

Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, năng lượng xanh, công nghệ cốt lõi… Nông nghiệp hướng vào công nghệ cao, tạo ra không gian xanh, gắn với du lịch.

Trao đổi về lộ trình triển khai Quy hoạch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh hai điểm: Vùng Đông Nam Bộ sẽ là nơi thí điểm những cơ chế, chính sách cần đổi mới, tạo đột phá; đồng thời có tiêu chí lựa chọn những nhiệm vụ, dự án, công trình ưu tiên "đầu tư cho ra tấm, ra món" để phát huy tối đa lợi thế của vùng, mang lại lợi ích chung cho các địa phương.

"Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ được lập trên tư duy bao trùm vùng, kết nối vùng nhưng cũng cần quy hoạch chi tiết rõ ràng không gian phát triển đô thị, khu chức năng, ngành kinh tế…", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ các ý kiến thành viên Hội đồng, chuyên gia, nhà khoa học... hoàn thiện Quy hoạch, bảo đảm chất lượng, mang theo tư duy đổi mới, đột phá với sự liên kết giữa các quy hoạch chuyên ngành, địa phương chứ không phải là "phép cộng cơ học"; đồng thời, chỉ ra những công việc cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.