Chương trình do khoa Văn học - Trường đại học KHXH&NV phối hợp với Hội Cựu sinh viên khoa Ngữ Văn, Nhà xuất bản Văn học, báo Đời sống và Pháp luật, báo Kinh tế và Đô thị, Ban Văn học nghệ thuật VOV6 Đài Tiếng nói Việt Nam tiến hành tổ chức một chương trình giao lưu nghệ thuật giữa các thế hệ sinh viên của Khoa mang tên “Vừng ơi mở cửa”.
Ý tưởng của đêm giao lưu nghệ thuật được khởi phát từ việc xuất bản tập thơ “Vừng ơi mở cửa” - tập thơ sinh viên phát hành nội bộ từ năm 1991, nay được chào đón trở lại đời sống văn học với sự tiếp sức của Nhà xuất bản Văn học.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm viết: "Các bạn đang cầm trên tay một tập thơ có một số phận không bình thường – Tập thơ này đã biến mất 27 năm một cách vô tăm tích, rồi lại đột ngột hiện ra trước đôi mắt sững sờ của thi sĩ kiêm nhà báo Nguyễn Tiến Thanh trong một buổi tình cờ dọn nhà. Tiến Thanh đã run run và rưng rưng cầm cuốn sách lên, rồi anh cứ thế ngồi bệt trên nền nhà mà đọc liền một mạch, đọc trong nỗi xôn xao rất khó diễn tả thành lời. Tiếp đấy, Tiến Thanh vội vã gởi tập thơ tới Giám đốc Nhà xuất bản Văn học là Nguyễn Anh Vũ với một lời đề nghị ngắn gọn: Nếu có thể, Giám đốc nên cho in lại tập thơ này, thay mặt tất cả các bạn sinh viên Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cảm ơn Vũ thật nhiều!".
Đêm giao lưu nghệ thuật “Vừng ơi mở cửa” có sự lồng ghép giữa nhạc – kịch - thơ với các câu chuyện kể về một thời hoa niên… tái hiện câu chuyện ngày trở về. Cùng với ca khúc phổ thơ, các bài thơ trong tập “Vừng ơi mở cửa” vang lên trên sân khấu, qua phần trình diễn của chính các tác giả. Những kỉ niệm, những gương mặt, kí ức, giai thoại được sống dậy trong bồi hồi thương nhớ.
Khách mời đêm nghệ thuật là các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tên tuổi từng là sinh viên khoa Ngữ văn - Trường đại học Tổng hợp như: Nguyễn Thị Thu Thủy, Phùng Huy Thịnh, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Sĩ Đại, các nhà thơ gắn bó với Câu lạc bộ thơ sinh viên xưa như: Trần Quang Dũng, Trần Hữu Việt, Nguyễn Việt Chiến, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến... Đặc biệt, vị khách mời là người thầy, người bạn của nhiều thế hệ sinh viên yêu mến – Nhà giáo Nguyễn Hùng Vỹ.
Tại chương trình, Tổng biên tập báo Đời sống và Pháp Luật Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ lí do ra đời tập thơ “Vừng ơi mở cửa”.
“Tôi cho rằng tập thơ đó đầy khát khao, đầy hưng phấn, đầy mơ mộng của tuổi trẻ nhưng nhìn dưới góc độ nghệ thuật, con mắt của các nhà thơ thành danh hiện nay thì tập thơ đó đầy non nớt. Lí do sâu xa cho ra đời tập thơ này là tái hiện lại một không khí sinh hoạt, một hào khí truyền thống văn thơ của khoa Văn như một ngọn lửa, một giấc mơ, một niềm cảm xúc, niềm tự hào ngọn lửa huyền thoại cháy qua rất nhiều thế hệ. Đấy là cảm hứng làm thơ, cảm hứng sáng tạo và nó lấp lánh đầy sự vẫy gọi”, Tổng biên tập Tiến Thanh chia sẻ.
Phong Linh