Vung tiền để "chinh phục" nhà chồng
"Làm dâu", hai tiếng đấy luôn khiến chị em lo lắng, căng thẳng, thậm chí sợ hãi, bởi dù xã hội đã hiện đại hơn nhiều so với trước, hạnh phúc của người làm vợ vẫn ít nhiều phụ thuộc vào việc có chiếm được cảm tình của bố mẹ chồng hay không, chưa kể đến những thành viên khác của gia đình chồng nữa. Họ mà không ưa, họ gây khó dễ thì gian truân chỉ có mà chất chồng.
Vậy nên 10 cô đi làm dâu thì 9 cô rưỡi xác định ăn ở tử tế hết mức với nhà chồng, nào là cố gắng chăm chỉ, lễ phép, cố gắng kiềm chế sở thích cá nhân, yêu thương, chu đáo... nhưng kết quả là rất nhiều cô sau đó phải kiếm chỗ để than thở về nỗi bị nhà chồng đối xử bất công.
My thì khác. Cô chẳng phải cực nhọc như thế mà chuyện làm dâu vẫn êm như ru. Là dâu thứ, phải ở chung với bố mẹ chồng cùng cô em gái đỏng đảnh của chồng, vậy mà vẫn tung tẩy như thời con gái. Mà My nào phải gái đảm đang gì cho cam, quen được bố mẹ chiều nên vụng thối vụng nát, lại còn lười biếng. Cô cũng chẳng phải quá xinh xắn đáng yêu, mồm mép bẻo lẻo lấy lòng người ta. "Bí quyết hả? Chịu khó chi vào", My nói khi nhiều nàng khác có ý ghen tỵ vì cô làm dâu quá sướng.
Mà sướng thật. Con dâu gì mà việc nhà duy nhất phải làm là rửa bát vào bữa tối, còn tất tần tật đã có mẹ chồng lo, đôi khi có em chồng giúp một tay. Không phải mẹ chồng cô quá bao dung, bởi hồi đầu bà cũng "dằn mặt" cô ghê lắm. Ngay hôm đầu về, toàn bộ việc nhà mà mẹ và em chồng vẫn làm lâu nay nghiễm nhiên được trút hết cho cô, rồi mỗi buổi lại phải ngồi nghe họ chê bai phán xét nữa. Cô không cãi, không né việc, nhưng dần dần lập lại trật tự.
Biết mẹ chồng tiêu hoang nên thường xuyên túng tiền, cô luôn cho tiền bà đúng lúc bà kẹt nhất. Nhưng cũng ngay lúc bà đang mừng rỡ, My nhờ luôn: "Con đau đầu quá, mẹ nấu bữa tối giúp con nhé". Mẹ chồng nhanh chóng hiểu ra thông điệp của nàng dâu đáo để, nhưng bà chấp nhận, bởi việc thì bà vẫn làm bao nhiêu lâu nay, cái chính là My giúp bà giải quyết vấn đề cấp bách. "Một khi đã nắm được thóp nhau thì dễ lắm, mình cứ đùn việc nhà cho mẹ chồng dần dần mà chẳng phải ngại ngần gì nữa", My nói.
Ảnh minh họa
"Cô em chồng, hồi đầu đành hanh lắm, suốt ngày lườm nguýt hoạnh nọ hoạnh kia. Có hôm xin tiền mẹ mua cái túi fake không được, chị dâu bảo lên đây, chị chở ra Parkson mua luôn túi hiệu. Nể luôn, một chị hai chị. Mình bảo, sau này cần gì cứ bảo chị, không phải xin anh giai làm gì, anh cô muốn tiêu cũng phải xin chị đấy. Nó hiểu ngay chất bà chị, hết dám láo, mà chị dâu cứ mua cho cái nọ cái kia suốt, láo làm sao được".
Bao nhiêu sự ghê gớm, khắt khe nhẽ ra dành cho My, mẹ chồng và em chồng trút hết cho nàng dâu trưởng, sống gần đấy, mỗi tuần qua một lần vào cuối tuần.
"Chủ nhật nào cũng phải làm cơm sum họp gia đình. Hồi đầu thì hai chị em cùng làm, sau mình mặc kệ, cứ ngủ nướng, cho bà chị đi chợ rồi nấu nấu nướng nướng. Mình cứ lấy cớ làm thêm khuya quá nên mệt. Chị chồng đá thúng đụng nia, nói xóc, nhưng mẹ chồng không kêu là được. Thậm chí chị dâu nói nhiều quá còn bị bà mắng, bảo cả tuần làm có mỗi bữa cơm còn tị", My cho biết.
Giỗ chạp cũng vậy. Lấy cớ việc cơ quan bận tối mắt, đến giờ ăn My mới lao xe về, ăn xong lại nghe điện thoại rồi "lượn" ngay, mặc kệ chị dâu hết nấu lại rửa bát. Cô chẳng cần biết chuyện chị ấy kêu ca hay người ngoài nhận xét, miễn sướng thân, mẹ chồng không gây chuyện là OK.
Hết tiền thì cũng hết tình
Nếu như My chỉ đỡ được việc nhà nhờ hào phóng với mẹ và em chồng thì cũng với cách này, Trang được cả họ nhà chồng săn đón, khen ngợi, thậm chí hỏi ý kiến những chuyện quan trọng. Phải nói là chị chẳng những được yêu quý mà còn có uy với nhà chồng.
"Cũng phải ăn ở thế nào thì mới được như thế chứ", Trang tự hào nói. Có điều, chị và những nàng dâu khác trong họ thừa hiểu, bí quyết ăn ở chính là đồng tiền, bởi các chị em dâu chăm chỉ, chu đáo, hết lòng hơn chị nhiều mà vẫn bị coi như mẻ.
Ngày đầu về ra mắt gia đình chồng tương lai, Trang bị ghẻ lạnh vì chị người thô và xấu, tuy ít tuổi hơn anh nhưng nhìn cứ như máy bay bà già với phi công trẻ. Nhưng những món quà ra mắt sang trọng đã lập tức gây một ấn tượng ngược lại, nhất là khi chị cho biết đó toàn là thứ "nhà trồng được", để khéo léo giới thiệu về gia cảnh bề thế của mình, cũng như công việc có mức lương cao. Suốt từ đó cho đến lúc thành dâu con, chị luôn bao phủ họ bằng tiền và quà, toàn những thứ đắt tiền mà gia đình họ không bao giờ tự mua.
Không chỉ bố mẹ, anh em ruột chồng, mà cả những người họ hàng ở quê cũng được Trang quan tâm, quà cáp chu đáo, biếu tiền lúc khó khăn, cho vay lúc cần. "Mấy người đấy cũng quen mui, thấy mình là moi, nhưng không sao, bỏ ra chút tiền mà được thoải mái thì cũng đáng. Trước đây, cả họ hè nhau chê bai mình, nhưng tiền dán vào mồm rồi thì chỉ có ca ngợi trở lên, một điều thím Trang hai điều thím Trang, thím ngồi đây cứ để cho bọn cháu chắt nó làm", Trang kể với nụ cười nửa miệng.
Ảnh minh họa.
Những lần dòng tộc định làm cỗ lớn hay xây lại từ đường, tôn tạo mộ tổ, Trang đều đóng một số tiền lớn và cung tiến đồ đắt tiền. Việc đó như mũi tên trúng 2 đích: khiến không chỉ ông tộc trưởng sung sướng, họ hàng nể vì, và làm bố mẹ chồng mát mày mát mặt, vị thế của chị càng được nâng cao. Trong gia đình, những việc quan trọng luôn được hỏi ý kiến chị trước khi quyết định. Vợ chồng cãi nhau thì người được bênh vực luôn là chị.
Nhưng cuộc đời thay bậc đổi ngôi quá nhanh. Chuyện Trang được cả họ nhà chồng yêu thương, vì nể đã là quá khứ 2 năm về trước, khi công ty bố mẹ chị chưa lao đao vì nợ nần và thua lỗ. Trang cũng phải đi tìm công việc mới với mức thu nhập trung bình, nghĩa là cực thấp so với trước đây. Với số tiền này, chị chỉ có thể lo cho gia đình nhỏ của mình một cách tùng tiệm chứ không thể hỗ trợ cho bố mẹ hay anh em như trước được nữa.
Đang quen được quà cáp, quen có người trám lỗ hổng tài chính hộ mình, những người trong gia đình chồng Trang đâm ra hụt hẫng. Dù biết chị khó khăn nhưng những lúc cần tiền không biết nhìn vào ai, họ đâm ra thất vọng và bực bội với chị. Dần dần, cách cư xử của họ với chị chẳng được như trước. Mẹ chồng bắt đầu bẳn gắt, soi mói, em chồng bắt đầu đành hanh, hoạnh họe, còn họ hàng nhà chồng bắt đầu chê bai. Chị lại bị họ chê xấu, chê già, chê không xứng đáng với chồng... Nhiều người còn nói, trước đây chị được cái giàu bù lại, còn bây giờ chẳng có vị gì...
Nghĩ đến điều này, chị Trang thấy chua chát, đắng cay. Nhưng dần dần, chị cũng chấp nhận và coi điều đó là khó tránh. Bởi chị giành "quyền ưu tiên" trong gia đình họ không phải bằng tình cảm chân thành mà chỉ dùng tiền bạc, vật chất để mua chuộc, nên khi không còn tiền, "tình cảm", sự ưu ái họ dành cho chị biến mất cũng là đương nhiên. Mà thực ra ngay cả khi chị đang là "cục cưng" của nhà chồng, cái chị cần ở họ cũng là sự đối đãi trọng vọng chứ đâu phải là tình yêu.
Theo Tri thức thời đại