Theo một tuyên bố của lực lượng an ninh Iraq, 9 quả rocket đã bắn trúng Vùng Xanh an ninh cao ở thủ đô Baghdad hôm 13/10, khi quốc hội Iraq tổ chức bỏ phiếu bầu Tổng thống mới của đất nước.
Cơ quan Truyền thông An ninh Iraq (Security Media Cell) của Iraq cho biết, một số nhân viên an ninh và dân thường đã bị thương trong vụ tấn công tên lửa vào Vùng Xanh, nơi đặt các tòa nhà chính phủ và các cơ quan đại diện nước ngoài.
“Vùng Xanh và khu vực lân cận ở Baghdad đã bị trúng 9 quả tên lửa Katyusha”, cơ quan này cho biết trong một tuyên bố do hãng thông tấn nhà nước Iraq (INA) công bố.
Cơ quan Truyền thông An ninh Iraq không nêu rõ số người bị thương hoặc mức độ thương tích của họ.
Phóng viên Mahmoud Abdelwahed của Al Jazeera đưa tin từ Baghdad cũng xác nhận rằng một số dân thường và thành viên của lực lượng an ninh Iraq đã bị thương trong cuộc tấn công.
Vụ việc diễn ra trong bối cảnh quốc hội Iraq bắt đầu phiên họp để bầu Tổng thống mới, vốn bị các thành viên quốc hội có liên hệ với nhà lãnh đạo Hồi giáo dòng Shiite theo chủ nghĩa dân túy Muqtada al-Sadr tẩy chay.
Chưa có bên nào lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc.
Cuộc tấn công xảy ra sau khi Khuôn khổ Điều phối, một liên minh bao gồm hầu hết các đảng Shiite do Iran hậu thuẫn, đệ trình một lá thư chính thức tuyên bố là khối lớn nhất trong quốc hội Iraq.
Liên minh này đề cử ông Mohammed Shia al-Sudani làm ứng cử viên của họ cho chức Thủ tướng Iraq, một bước pháp lý quan trọng trước khi chính phủ tiếp theo có thể được thành lập.
Quyền Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi đã lên án vụ tấn công trên Twitter, nói rằng “chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm cản trở tiến trình dân chủ”.
“Chúng tôi ủng hộ việc hoàn thành các thời hạn theo hiến pháp để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị”, ông nói.
Trong một vụ việc tương tự, tên lửa đã bắn trúng Vùng Xanh vào tuần trước khi cơ quan lập pháp Iraq chuẩn bị bỏ phiếu bầu Phó Chủ tịch Quốc hội.
Quốc gia Trung Đông này đã chứng kiến nhiều tháng bế tắc chính trị sau khi ông Al-Sadr chiến thắng vang dội trong cuộc bỏ phiếu của quốc hội hồi năm ngoái nhưng không thu hút được đủ sự ủng hộ để thành lập chính phủ.
Nhiều người lo ngại sẽ xảy ra các cuộc biểu tình của những người trung thành với ông Al-Sadr trước phiên họp. Trước đó, những người ủng hộ ông đã xông vào tòa nhà quốc hội vào ngày 30/6 và làm đình trệ quá trình thành lập chính phủ do ông Al-Sudani của liên minh Khuôn khổ Điều phối đứng đầu.
Tổng thống là một vị trí chủ yếu mang tính chất nghi lễ, nhưng cuộc bỏ phiếu là một bước quan trọng trong quy trình chính trị khi tân Tổng thống là người sẽ chỉ định ứng cử viên của khối nghị viện lớn nhất thành lập chính phủ.
Minh Đức (Theo Anadolu Agency, Al Jazeera)