Đến đây để hiểu rõ hơn câu nói “Đất lành chim đậu” và hơn cả là hiểu được công lao của biết bao người đã gìn giữ, dẫn dụ các loài chim.
Sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ khách tham quan
Vườn chim trong khuôn viên Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành ở giữa lòng TP.Cà Mau. Vườn chim với hơn 7.535 cá thể sinh sống, đó là kết quả dẫn dụ hàng ngàn con chim trong tự nhiên về sinh sống. Vườn chim là địa điểm tham quan độc đáo đã trở thành tài sản, niềm tự hào và đã gắn liền với cuộc sống đời thường của người dân Cà Mau.
Được hình thành từ năm 1995 cho đến nay, vườn chim đã được chăm sóc, duy trì, bảo tồn; nhiều cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, du khách trong và ngoài nước đã từng đến tham quan và mong muốn vườn chim tiếp tục được duy trì, bảo tồn và phát triển.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt “Đề án Bảo tồn và phát triển vườn chim trong khuôn viên Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, giai đoạn năm 2018 – 2020”. Đây là cơ sở pháp lý để thực thi các nhiệm vụ cần thiết nhằm bảo tồn các loài chim hoang dã, tạo sự đa dạng sinh học và tạo ra sản phẩm du lịch riêng biệt, độc đáo của tỉnh Cà Mau.
Qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án, môi trường sinh thái vườn chim được phục hồi, các chỉ số ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí dần được kiểm soát; số loài và số cá thể chim tăng so với năm 2018 (số loài tăng 2%, số cá thể tăng 14,1%).
Hệ thống cây xanh, thảm thực vật phát triển khá tốt, mật độ cây xanh và độ che phủ có tăng, nhưng chưa đạt theo yêu cầu của Đề án đặt ra (Đề án đến năm 2020 tăng lên từ 1,5 đến 2 lần so với hiện trạng); kiểm soát, ngăn ngừa động, thực vật ngoại lai khá tốt.
Việc phát triển vườn chim trong khuôn viên Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ góp phần đạt được hiệu quả về kinh tế thông qua việc tạo thêm một sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo để thu hút khách tham quan, phát triển du lịch.
Duy trì và phát triển bền vững vườn chim trong lòng thành phố
Trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2018 - 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà May tiếp tục đề ra nội dung và giải pháp thực hiện bảo tồn, phát triển vườn chim giai đoạn 2021 – 2025.
Mục tiêu chung của Đề án này nhằm bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái, duy trì và phát triển bền vững vườn chim, không làm ảnh hưởng xấu đến dân cư đang sinh sống lân cận.
Cụ thể: Tiến hành cải tạo mở rộng không gian sinh sống và vùng đệm cho vườn chim; tiếp tục duy trì các giải pháp bảo vệ môi trường; tăng cường bổ sung đất, trồng mới cây xanh; nâng cao nhân lực quản lý; chăm sóc, khai thác và phát triển bền vững vườn chim; làm tốt công tác tuyền truyền trong cộng đồng dân cư về bảo vệ động, thực vật hoang dã...
Tạo nguồn sống phù hợp cho quần thể chim nhằm mục đích bảo tồn loài, thông qua việc tạo chổ ở và sinh sản, nuôi dưỡng, chăm sóc, quy tụ chim phù hợp về số lượng, cá thể loài chim đầm lầy đặc trưng của vùng đất Cà Mau.
Tiếp tục duy trì, bảo tồn vườn chim hiện hữu, hàng năm, Bảo tàng tỉnh Cà Mau xây dựng các kế hoạch trình cấp thẫm quyền phê duyệt trên cơ sở kế thừa, phát triển Đề án Bảo tồn và phát triển vườn chim trong khuôn viên Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 – 2020. Kỳ vọng sau khi thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển vườn giai đoạn năm 2021 - 2025, số lượng chim dự kiến sẽ tiếp tục tăng 15% so với số lượng năm 2020 (tổng số lượng cá thể chim được kiểm đếm năm 2018 là: 6.603 cá thể, năm 2020 là: 7.535 cá thể).
Việc bảo tồn vườn chim sẽ tạo được một cảnh quan sinh thái thiên nhiên ở giữa lòng TP.Cà Mau, gần gũi với thiên nhiên, phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, tham quan nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần cho xã hội và nhân dân, đặc biệt là lòng yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ động, thực vật hoang dã. Bên cạnh đó, duy trì, gìn giữ môi trường xanh sạch, không ảnh huởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư lân cận và khách tham quan du lịch.
V.T