Một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ
Chiều 27/2, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Phát biểu mở đầu hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH đã dành thời gian thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại tổ và hội trường và dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023).
Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, để hoàn thiện tiếp thu dự thảo Luật, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã và đang cùng cơ quan chủ trì soạn thảo cùng các cơ quan hữu quan nghiên cứu, trao đổi, thống nhất phương án tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.
Ông Cường mong muốn qua hội nghị lần này có thêm các ý kiến góp ý sâu sắc, cụ thể để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng tốt nhất, dự kiến trình UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2023 tới và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Trao đổi thêm về các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, quá trình rà soát, chỉnh lý thời gian vừa qua, bên cạnh nhiều nội dung đã thống nhất, còn một số vấn đề nổi lên còn ý kiến khác nhau, còn băn khoăn, cần được tiếp tục trao đổi, nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan để thống nhất phương án tối ưu nhất.
Trong đó, còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ như về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật; áp dụng luật và các quy định của luật để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; các quy định về hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; về đấu thầu qua mạng, lộ trình thực hiện; hợp đồng đối với nhà thầu, nhà đầu tư, điều chỉnh hợp đồng; mua thuốc, vật tư y tế; về đấu thầu trước.
Tại hội nghị các đại biểu đều đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc nghiêm túc tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý về dự thảo Luật; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo cùng với đó là tình thần cầu thị lắng nghe nhiều chiều ý kiến của các cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà quản lý.
Bên cạnh đó, còn một số nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu làm rõ, đặc biệt về mua thuốc, vật tư y tế (quy định tại các Điều 23, 28 và từ Điều 55-59 dự thảo Luật) là nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn thời gian gần đây.
Theo ông Toàn, cơ quan thẩm tra cũng rất chú trọng về nội dung này. Dự thảo Luật cũng đã dành nhiều điều, khoản để quy định về vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế.
Tại Điều 23 quy định áp dụng chỉ định thầu đối với “gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân”;
Điều 28 về Hình thức “đàm phán giá” được quy định áp dụng riêng đối với "các gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; thuốc, dược liệu chỉ có từ 1 đến 2 nhà sản xuất và trường hợp đặc thù khác";
Chương V (từ Điều 55 đến Điều 59) quy định về "mua sắm tập trung, mua thuốc"... Các quy định về mua thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã và đang diễn ra trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, việc đưa vào những quy định mới này cần được tiếp tục rà soát kỹ, có ý kiến từ phía các cơ quan thực thi, bộ, ngành quản lý để bảo đảm chặt chẽ, khả thi.
Không để khi trình lên còn ý kiến khác nhau
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận các ý kiến tại hội nghị; đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan hữu quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Đồng thời đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, cùng tập thể Ủy ban tăng cường phối hợp các cơ quan có liên quan đến nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật có được chất lượng tốt nhất.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan của Chính phủ cần tiếp tục bàn bạc, cho ý kiến kỹ lưỡng các nội dung của luật để đi đến thống nhất, có văn bản góp ý chính thức.
"Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng khi trình lên UBTVQH còn có ý kiến khác nhau, thiếu thống nhất giữa các cơ quan của Chính phủ", Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, qua trao đổi thảo luận tại hội nghị, các ý kiến đều có chung nhận định những khó khăn vướng mắc trong hoạt động đấu thầu của ngành y tế không xuất phát từ Luật Đấu thầu.
Song với sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực y tế, mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của ngành y tế, thực hiện sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, các ý kiến cũng cho rằng cần tiếp tục rà soát để nếu có thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho ngành y tế trong luật thì tiếp tục quan tâm tháo gỡ.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý thêm các cơ quan cần bám sát mục tiêu sửa đổi luật đề ra ban đầu để có rà soát, báo cáo những nội dung đã được sửa đổi, những vấn đề còn cần tiếp tục nghiên cứu; đề nghị bổ sung làm rõ kinh nghiệm của quốc tế và của khu vực tư nhân trong đấu thầu.
Cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo cùng các cơ quan liên quan cần khẩn trương rà soát tối đa các vấn đề còn ý kiến khác nhau, cùng nhau trao đi đổi lại để đi đến thống nhất, đồng thuận cao, hạn chế tối đa các vấn đề còn trình theo nhiều phương án.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh các nội dung của Luật Đấu thầu có ý nghĩa thực tiễn, cấp bách trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan cần đổi mới phương pháp, cách làm để kịp thời có những sửa đổi, bổ sung mang tính thuyết phục, bảo đảm chất lượng tốt nhất.