Khi dư luận xôn xao về câu chuyện về nữ doanh nhân thành đạt từng vướng vào nghi án gian thương bỗng dưng lọt vào danh sách “Các nhà hảo tâm tiêu biểu 2018” tôi cũng chỉ tặc lưỡi. Doanh nhân đi làm từ thiện là "chuyện thường ở huyện", thậm chí việc tranh thủ từ thiện để đánh bóng tên tuổi trần đời này không thiếu.
Nhưng có một cụm từ cần được chú ý, đó là "từng vướng vào nghi án gian thương".
Bà Nguyễn Thu Trang, giám đốc của công ty TNHH thiên nhiên TS Việt Nam, là người được Hội Chữ Thập Đỏ TP.Hà Nội vinh danh vì những cống hiến to lớn trong công tác từ thiện những năm vừa qua. Cũng chính là bà chủ của lô hàng mỹ phẩm, TPCN không rõ nguồn gốc trị giá 11 tỷ bị lực lượng chức năng phát hiện và điều tra tháng 10/2017.
Người phụ nữ này trước đây từng được ngợi ca vì những nỗ lực và thành công trong cuộc sống, bà từng là thần tượng trong mắt mọi người, là hình ảnh một con người vẹn toàn vừa có sắc, vừa có tài vừa có tâm, từng là ứng cử viên sáng giá được đề cử tham dự hoa hậu quý bà châu Á.
Ấy vậy mà khi nghi án gian thương dấy lên, mọi người đều quay lưng về phía bà, từ đó bà trở thành kẻ phản diện trong mắt mọi người. Đến hơn 1 năm sau khi bà làm được một điều đáng được khen ngợi thì mọi người lại phủ nhận toàn bộ công sức.
Kể cũng lạ, bà Trang đã làm từ thiện từ rất lâu, trước khi vướng vào rắc rối này thì người đời không khỏi cảm phục hành động nhân ái của bà nhưng vẫn hành động đó sau khi danh tiếng của bà trở thành tai tiếng thì bỗng chốc bản chất của nó lại trở thành “giả tạo”.
Chẳng lẽ một người chỉ được là kẻ tốt hoặc kẻ xấu thôi sao? Và đã là một kẻ xấu thì mọi hành động của họ đều xấu xa và đáng bài trừ?
Không hẳn, đúng không? Chẳng phải chính bản thân chúng ta vẫn luôn coi mình là những người tử tế văn minh nhưng có lúc ích kỷ đặt lợi ích bản thân của mình lên trên sao?
Nếu như nghi án gian thương của bà Trang được xác thực, nữ doanh nhân ấy đã vì đồng tiền mà đặt cược sức khỏe của người tiêu dùng thì bà đáng bị phê phán và trừng trị bởi pháp luật.
Tuy nhiên việc nếu lấy điều đấy ra để phủ nhận công sức của bà trong hoạt động từ thiện thì lại không công bằng chút nào. Chỉ vì người làm việc tốt có một vết nhơ trong quá khứ mà chúng ta lên tiếng bài trừ thì thật khó có thể chấp nhận. Bài trừ hành động của bà Trang, chúng ta cũng bài trừ luôn những miếng cơm manh áo của những người khốn khó ngoài kia.
Việc bà làm từ thiện là điều đúng đắn, mang lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội, tôi mong bà sẽ tiếp tục làm từ thiện, giúp cho cuộc sống của những người nghèo khó thêm phần ấm no.
Từ lâu nay chúng ta luôn nhìn người khác với một ánh mắt hà khắc và tiêu cực, và ngược lại chúng ta cũng chịu áp lực từ sự hà khắc của những người xung quanh. Làm kẻ xấu thì dễ nhưng làm người tốt thì rất khó. Thử nghĩ xem bao nhiêu nỗ lực của chúng ta chỉ vì một sai lầm mà sụp đổ hoàn toàn. Và rồi sau này dù có cố gắng bao nhiêu ta cũng không được công nhận thì liệu chúng ta có cảm thấy nản chí, muốn vứt bỏ hết để sống với các mác “kẻ xấu” mà mọi người xung quanh gán lên ta?
Hãy rộng lượng hơn, bao dung hơn, hãy ghi nhận sự cố gắng trở thành người tử tế của những người xung quanh ta, tạo động lực để họ quay trở lại con đường thiện lương.
Biết đâu khi nhận được sự công nhận và ủng hộ của mọi người, phần tốt của bà Trang sẽ cảm hóa cái xấu, để dần lấy lại danh hiệu tài – tâm vẹn toàn trong lòng mọi người.
P/S: Theo thiển ý cá nhân, bà Trang chỉ cần buôn bán mỹ phẩm và TPCN chuẩn chỉnh là đã góp phần làm đẹp xã hội. Nếu buôn bán trót lọt lô hàng 11 tỷ mỹ phẩm và TPCN không rõ nguồn gốc rồi bỏ vài tỷ ra làm từ thiện vẫn... lời lắm.
*Bài viêt thể hiện quan điểm riêng của tác giả!