Ngày 16/7, Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Kemi Badenoch đã chính thức ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Việc ký kết thỏa thuận gia nhập đã đưa Vương quốc Anh chính thức trở thành thành viên của khối thương mại hiện đại và đầy tham vọng, bao gồm 12 nền kinh tế trên khắp khu vực châu Á, Thái Bình Dương và giờ là châu Âu. Đồng thời, việc ký kết là sự xác nhận chính thức về thỏa thuận để Vương quốc Anh gia nhập khối thương mại này, sau khi kết thúc đáng kể các cuộc đàm phán vào đầu năm nay. Chính phủ Anh hiện sẽ thực hiện các bước cần thiết để phê chuẩn hiệp định, bao gồm quy trình giám sát của Nghị viện, trong khi các quốc gia thành viên khác của CPTTP hoàn thiện các quy trình nội luật hóa của riêng họ.
Trước dấu mốc này, nhiều kỳ vọng đặt ra đối với xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang thị trường Vương quốc Anh, bởi thời gian qua, thương mại song phương Việt Nam - Anh tăng trưởng khá tích cực dù có những khó khăn do tình hình kinh tế chung toàn cầu. Trong đó, nhờ UKVFTA, doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, dệt may, giày da, thiết bị linh kiện điện tử, đồ gỗ… sang Vương quốc Anh quốc trên cơ sở ưu đãi thuế quan theo hiệp định.
Thêm cơ hội gia tăng giá trị
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản sang khối các nước CPTPP trong 5 năm gần đây đã tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2018 lên 2,9 tỷ USD vào năm 2022, cùng đó tỷ trọng tại thị trường này cũng tăng từ 25% lên 27%, con số này là minh chứng rất tích cực đối với ngành thủy sản của Việt Nam.
Mặc dù 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang khối các nước CPTPP đạt 1,1 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, song nguyên nhân chính là do nhu cầu tiêu dùng chung của thị trường giảm sút ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm này.
Không những vậy, các thị trường tiêu thụ thủy sản lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… cũng có sự suy giảm về mặt hàng đông lạnh của Việt Nam. Theo đó, sau đại dịch COIVD các nước đều nhập khẩu ồ ạt về phục vụ tiêu dùng, song do nhu cầu giảm đã đẩy tồn kho tăng, điều này tác động ngược trở lại ngành hàng thủy sản của Việt Nam, kéo theo giá thủy sản cũng đi xuống.
“Tuy nhiên, trong bức tranh đó, dự báo nhiều nước trong khối CPTPP như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan, đặc biệt đối với hàng chế biến sâu tạo ra giá trị gia tăng cao của Việt Nam,” bà Hằng nêu ví dụ.
Tổ chức tốt chuỗi cung ứng
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, hiện Anh có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các mặt hàng này trong khi hệ thống cung ứng có một số khoảng trống do ảnh hưởng của Brexit và xung đột quân sự tại Ukraina.
Thị trường Anh khá lớn (khoảng 68 triệu dân), nhu cầu đa dạng (cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người).
“Anh đã có cam kết mở cửa thị trường mới (ngoài cam kết trong UKVFTA) cho một số sản phẩm Việt Nam khi gia nhập CPTPP trong đó có hạn ngạch thuế quan đối với gạo thơm, cá ngừ, mật ong... Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu những sản phẩm nêu trên sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh", ông Cường thông tin.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Cảnh Cường, bên cạnh những cơ hội, thách thức đặt ra đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Anh.
Nguyên nhân do hiện thương mại quốc tế có xu hướng suy giảm khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và xung đột địa chính trị leo thang; nhu cầu thị trường giảm do lạm phát cao và người dân thắt chặt chi tiêu; đồng Bảng mất giá so với USD và VNĐ khiến rủi ro tài chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tăng.
Mặt khác, yêu cầu chất lượng cao, giá cả cạnh tranh; qui định sử dụng nhãn UKCA thay cho CE đối với sản phẩm công nghiệp; Dự luật về chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm gỗ, cà phê, cao su, dầu thực vật, đậu tương.
Xu hướng sản phẩm cho người ăn kiêng phổ biến hơn khiến cho việc sản xuất và cung ứng thực phẩm nông sản cần chuyên biệt và phức tạp hơn.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, sau khi gia nhập CPTPP, Vương quốc Anh cũng cam kết mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm của các nước thành viên CPTPP khác.
Trong đó, các nước Australia, Newzealand, Malaysia và Mexico có nhiều sản phẩm cùng loại với sản phẩm Việt Nam.
“Tuy có cùng mức ưu đãi nhưng khả năng cung ứng ổn định và chất lượng đạt tiêu chuẩn của hàng hóa đến từ các nước này sẽ gia tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường Anh và khiến lợi thế cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam ít nhiều giảm sút”, ông Cường nhấn mạnh.
Thời gian tới, để duy trì sức cạnh tranh trong bối cảnh mới, Thương vụ Việt Nam tại Anh khuyến nghị: Doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn ổn định và phải tổ chức tốt chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông phân phối.
“Việc Anh gia nhập CPTPP cũng sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực tại Anh. người tiêu dùng và các nhà phân phối sở tại sẽ quan tâm hơn đến sản phẩm của các nước thành viên CPTPP trong đó có Việt Nam”, ông Cường cho hay.
Bên cạnh đó, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh lưu ý, các hiệp hội ngành hàng cần duy trì, phát triển mối quan hệ với Bộ Kinh doanh và thương mại Anh và các bộ ngành, cơ quan quản lý liên quan đến thương mại của Vương quốc Anh để tiếp cận nắm bắt chính sách của thị trường này.
Đồng thời, chú trọng tổ chức, xây dựng mạng lưới với cộng đồng doanh nghiệp Anh và doanh nghiệp Việt Nam tại Vương quốc Anh để kết nối giới thiệu đối tác cho doanh nghiệp Việt Nam.
Cũng như cần tập trung tăng cường tìm hiểu và cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam các thông tin cập nhật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các quy định nhập khẩu vào Vương quốc Anh.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 2,66 tỷ USD, giảm 0,6%.
Trong đó, Việt Nam thặng dư thương mại hơn 2,05 tỷ USD. Năm tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt gần 2,36 tỷ USD, giảm nhẹ 0,9% so cùng kỳ năm 2022.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng, dẫn đầu tốc độ tăng lần lượt là: Giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 118,3%; Sản phẩm từ cao su 42,9%; Điện thoại và linh kiện các loại tăng 38,4%; Rau quả tăng 31,5%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác + 21,8%; Hạt điều tăng 9,6%; Giầy dép các loại tăng 7,1%, sản phẩm chất dẻo tăng 3,6%.
Trong đó, các mặt hàng chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn gồm: Điện thoại các loại và linh kiện (23,3%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (14,8%); Giày dép các loại (13,1%); Hàng dệt may (10,8%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 5,1%; Hàng thủy sản 4,8%; Gỗ và sản phẩm gỗ 3,2%.
T.M