Vượng Râu: Tôi chỉ làm hề được thôi

Vượng Râu: Tôi chỉ làm hề được thôi

Thứ 4, 30/10/2013 17:09

"Tôi không ganh tỵ và tôi vẫn cống hiến, vẫn diễn phục vụ khán giả. Chuyện danh hiệu với tôi không quan trọng. Có người bảo tôi rằng: "Anh chỉ làm hề được thôi". Tôi thấy đúng...", danh hài Vượng Râu chia sẻ.

Không thể áp đặt "gu" thưởng thức

Khán giả vẫn thắc mắc rằng, lâu rồi danh hài Vượng râu không thấy xuất hiện trên báo, phải chăng anh đang "ở ẩn"?

Đúng là gần 1 năm nay tôi ít xuất hiện trên báo. Tôi có một quy tắc riêng, phải có cái gì thật mới thì mới đồng ý trả lời phỏng vấn. Tôi thấy, nhiều nghệ sĩ miền Bắc cũng rất kỹ tính trong việc này, bởi chúng tôi tránh sự hiểu lầm, là lên báo để pr về mình. Tôi thấy nhiều người có "độ lì" lắm, tuần nào họ cũng lên báo. Tôi thì không như vậy.

Anh nghĩ sao khi có một số nghệ sĩ hiện nay rất "thích" được chú ý khi thường xuyên tạo scandal, rồi chụp ảnh cùng "trai lạ", "gái lạ"... để được lên báo?

Tôi nghĩ làm kiểu này không bền được. Khả năng của một người nghệ sĩ ngoài việc được đánh giá bằng sự phấn đấu trong công việc, nghề nghiệp còn được đánh giá về mặt đạo đức nữa. Scandal không làm nên thương hiệu nghệ sĩ. Tôi biết, có một vài nghệ sĩ hiện nay có hiệu ứng "ăn theo" trong các sự kiện văn hóa. Như có cuộc gặp mặt nào đấy, dù không được mời, cũng phải "chen" vào để chụp ảnh, để được lên báo. Một số ca sĩ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn cũng có chuyện "bia kèm lạc". Tức là không nổi tiếng, nhưng dựa vào nghệ sĩ khác để đánh bóng tên tuổi của mình. Tôi nghĩ, nếu là một nghệ sĩ chân chính, cần hành xử một cách văn hóa, chứ không nên nổi tiếng bằng mọi cách.

Nhân vật - Vượng Râu: Tôi chỉ làm hề được thôi

Danh hài Vượng râu.

Một số ông bầu nhận xét rằng, diễn viên Vượng râu khá kiêu, anh có thấy mình thế không?

Nói thật lòng, tôi là người khá kỹ tính và kén chọn. Để giữ được hình ảnh của mình thì có hai cái giá phải trả. Một là mình chấp nhận để người khác nghĩ không đúng về mình, chỉ có những chương trình nào thật hay, chọn lọc mới đồng ý tham gia. Hai là chương trình nào cũng tham gia diễn để được khen là dễ tính. Khi facebook cũ của tôi bị hack, tôi lập cái mới, có nhiều người bảo tôi, sao ít bạn thế. Tôi nghĩ, cái đấy chỉ là hình thức. Mình thực sự chơi với ai, hiểu ai mới là quan trọng, mạng xã hội chỉ là ảo. Vì thế, kiêu hay không là do suy nghĩ của mỗi người. Nhưng tôi luôn có ý thức để giữ hình ảnh của mình.

Làm trong nghề cũng khá lâu rồi, anh có nhận xét gì về cái "gu" thưởng thức hài giữa khán giả hai miền Nam và Bắc không?

Nhiều người hay phân biệt giữa hài hai miền, họ cho rằng hài miền Nam không gây cười được. Nhưng với tôi, hài miền Nam cũng hay và có dấu ấn riêng. Hồi chưa học đại học, tôi đã thường xuyên nghe hài của Bảo Trung, Bảo Liên, Hồng Vân... bằng băng cát - sét. Có lẽ, chính sự đam mê ngày ấy nên tôi thích diễn hài và thành nghiệp như bây giờ.

Cách đây gần vài năm, tôi có gặp MC Trấn Thành trong một chương trình và nói rằng: "Chỉ vài năm nữa em sẽ thành công với những vai diễn hài". Và bây giờ thì đúng như vậy, Trấn Thành đóng hài rất duyên, hoạt ngôn và diễn rất thông minh. Hài miền Nam hay miền Bắc chỉ là cái "gu" của từng miền, không thể áp dụng "gu" của miền này cho miền kia được. Ví dụ có người thích nghe nhạc vàng, nhưng nhạc sĩ Quốc Trung lại bảo là nghe là... bất thường. Có thể anh ấy không để ý rằng, những bài hát nhạc vàng ấy đã từng tồn tại gần 100 năm, chứng tỏ có người nghe thì nó mới tồn tại được... Vậy thì phải công bằng trong nhận xét, mỗi người có "gu" khác nhau, không thể áp đặt được.

Không được đào tạo bài bản thì không gọi là nghệ sĩ

Được biết, danh hài Vượng râu đã từng làm tiểu phẩm hài với các nghệ sĩ hài miền Nam như Chí Tài, Hoài Linh, Thúy Nga... Vậy anh có định Nam tiến không?

Tôi đã từng có ý định đó, nhưng giờ đây tôi không "ham hố" nữa. Vì tôi quan niệm rằng "đất có thổ công, sông có hà bá". Hơn nữa, tôi không giỏi chịu áp lực, gò bó trong khuôn khổ, chính vì thế, tốt nghiệp thêm khoa đạo diễn nữa nhưng tôi không đầu quân cho một cơ quan nhà nước nào. Vì làm nghệ thuật mà bị gò bó sẽ mất đi sự sáng tạo. Tôi nghĩ rằng, Nam tiến hay không thì cũng phải có một chỗ dựa vững chắc. Ở miền Bắc tôi đã có một chỗ đứng riêng, có nhà cửa và công ty riêng, nếu vào Nam, tôi phải làm lại từ đầu. Vì thế, tôi không muốn mạo hiểm.

Hiện nay, việc phát hành đĩa hài mới của anh có gặp nhiều khó khăn không? Khi mà mạng xã hội đã rất phát triển, người ta có thể cần một cú click chuột là có thể xem trọn một đĩa hài mới rồi?

Vấn đề này rất nan giải cho anh em nghệ sĩ chúng tôi. Có nhiều khi đĩa hài vừa mới quay, chưa làm xong hậu trường, chưa trả tiền kịch bản, đã có đĩa lậu, trên mạng đã có đầy đủ bản Full HD. Đây là một thiệt thòi cho chúng tôi và những nghệ sĩ có công ty riêng, sản xuất đĩa nhạc mà chưa có cách để quản lý.

Là một người theo dõi khá sát sao về đời sống showbiz hiện nay, anh nghĩ gì về hiện tượng sống thoáng, thích "cởi" của một số nghệ sĩ trẻ?

Đối với tôi, những người chưa học qua môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp thì không nên gọi họ là nghệ sĩ. Không phải vì tôi đã được học bài bản mà tôi nói như thế, nhưng rõ ràng là những nghệ sĩ được đào tạo đã rất vất vả để rèn luyện với nghề, như tôi đã phải trả giá bằng 8 năm với hai cái bằng, với những trải nghiệm mà nhiều người trẻ hiện nay không có. Bây giờ tôi viết một bài nhạc, thì không thể gọi là nhạc sĩ Công Vượng được, vì tôi có học nhạc ngày nào đâu. Còn một số cô gái trẻ hiện nay, đóng vài bộ phim, chưa được học bài bản, uốn éo khoe thân mà gọi là nghệ sĩ là không đúng. Khi người ta có một cái gốc, thì suy nghĩ sẽ khác, sẽ văn hóa hơn, chứ không "cởi" để nổi tiếng. Nếu vậy, showbiz sẽ sạch sẽ hơn.

Không vào làm nhà nước, cũng chưa có danh hiệu gì, có khi nào anh thấy "chạnh lòng" so với những người nghệ sĩ cùng trang lứa không?

Tôi không ganh tỵ và tôi vẫn cống hiến, vẫn diễn phục vụ khán giả. Chuyện danh hiệu với tôi không quan trọng. Có người bảo tôi rằng: "Anh chỉ làm hề được thôi". Tôi thấy đúng. Cụ Tào Mạt đã nói rằng "Đã làm quan thì đừng làm hề, đã làm hề thì đừng làm quan". Không bao giờ tôi có sự ghen đua với ai cả.

Anh có nghĩ là mình may mắn không, khi trong làng hài miền Bắc, Vượng râu cũng là một nghệ sĩ "trông mặt, đặt tên"?

Tôi không nghĩ mình may mắn, mà tôi đã và đang nỗ lực cho niềm đam mê của mình. Tôi tự lực đi lên bằng chính đôi chân của mình, không nhờ cậy ai. Tôi bước chậm nhưng chắc. Những gì tôi có được ngày hôm nay là do tôi vất vả có được. Ngày xưa, tôi từng đạp xe mi ni Tàu từ Gia Lâm sang 906 Đê La Thành để đưa kịch bản viết tay cho chương trình "Gặp nhau cuối tuần", những kỷ niệm đó tôi không bao giờ quên. Tôi được "nhớ mặt đặt tên" là do lộc tổ thôi. Trời cho ai thì được. Trong hài, cái duyên quan trọng lắm. Ví dụ như anh Xuân Hinh có câu "Cái gì nó nổ ý nhỉ" là câu rất bình thường, nhưng qua miệng anh ấy, khán giả cả nước cười nghiêng ngả. Duyên là ở chỗ ấy, không phải ai muốn cũng được.

Trăn trở của anh đối với nghệ thuật hài hiện nay?

Đã từ lâu rồi tôi muốn lưu giữ bộ hề chèo cổ do tôi trực tiếp làm. Vì những tác phẩm chèo cổ do những nghệ sĩ đi trước làm giờ không còn nữa. Nghệ thuật là gồm những bộ môn hiện đại và truyền thống. Trong chuyến lưu diễn các nước châu Âu vừa qua, chúng tôi có diễn chèo, diễn hề chèo cổ, khán giả Việt mình ở bên đó rất thích. Hề chèo có cách "nói mé" mà nhiều người đánh giá là "đặc sản" của người Việt Nam. Qua những tiểu phẩm hề chèo truyền thống ấy, những người trẻ hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, các nghệ sĩ trẻ thì học được cách diễn chèo của cha ông. Đây cũng là một cách học văn hóa truyền thống hiện đại và văn minh.

Lạc Thành

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.