Một lần tình cờ ngồi nghe các cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An kể về những cuộc vượt cạn của các nữ tù nhân, PV Người đưa tin cảm thấy tò mò. Có lẽ, chúng tôi muốn hiểu được cảm xúc của những nữ phạm nhân vào giây phút làm mẹ ở hoàn cảnh đặc biệt như thế.
Một sản phụ đang được các bác sĩ mang quân hàm khám sức khỏe mẹ và con.
Cả trại hồi hộp vì phạm nhân... đau đẻ
Điều 35 Bộ Luật Hình sự quy định, không áp dụng hình phạt đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc bị xét xử, ngoại trừ tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia hoặc đã áp dụng hình thức này một lần nhưng tái phạm và tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Một đặc thù ở Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An là những trường hợp đang mang thai và đã sinh con ở đây đều là những "nữ quái" nằm trong số những lí do không được hưởng "đặc ân" này.
Nói chuyện với chúng tôi, một quản giáo của trại cho biết, cuộc vượt cạn đầu tiên ngay tại nơi giam giữ là của đối tượng Hà Thị Sâm (SN 1976, quê ở xã Quế Sơn, huyện Quế Phong, Nghệ An). Sâm bị bắt ngày 22/4/2012, khi đang trên đường vận chuyển ma túy từ Quế Phong về Tân Kỳ. Y định tuồn "hàng" vào Trại 3 bán lại cho các con nghiện. Vào thời điểm được di lý về trại tạm giam, Sâm đã mang thai 5 tháng. Sau khi có kết luận của bác sĩ, Ban lãnh đạo Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An đã làm công văn xin ý kiến các cơ quan chức năng cùng phối hợp giải quyết. Tuy nhiên, Sâm lại mắc vào trường hợp phạm tội khá đặc biệt nên vẫn tiếp tục tạm giam.
Được biết, Hà Thị Sâm từng có tiền án về tội buôn bán trái phép chất ma túy. Dẫu biết mình đang mang bầu nhưng trước sức hút của đồng tiền, thị vẫn ngang nhiên đi gieo rắc "cái chết trắng" cho những con người lầm lỡ đang trên đường hoàn lương. Sau này, thị có thút thít bảo rằng, chỉ vì muốn kiếm thêm ít tiền chuẩn bị cho ngày "vượt cạn" nên mới "làm liều".
Nhưng suy cho cùng, đó cũng chỉ là một cách ngụy biện cho việc làm lầm lỗi của y. Những tháng ngày ngồi sau song sắt là cái giá thị phải trả khi bất chấp pháp luật để làm giàu bất chính. Từ đó, các cán bộ quản giáo lại kiêm thêm nhiệm vụ "bất đắc dĩ" là chăm sóc bà bầu với chế độ dinh dưỡng, giam giữ hết sức đặc biệt. Đúng chín tháng mười ngày, Sâm vượt cạn. Ngay sau khi đứa bé cất tiếng khóc chào đời trong trại giam đã được đưa về với gia đình. Tuy nhiên, mẹ của nó thì phải tiếp tục ở lại trả án.
Sau đó không lâu, toàn thể cán bộ chiến sỹ trại tạm lại đón chào sự ra đời của một cháu bé khác. Tối ngày 13/8/2012, một nữ bị can có biểu hiện chuyển dạ. Từ trước đó, các cán bộ trại đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng "đỡ đẻ". Tuy nhiên, phải đến 2h sáng ngày 14/8, tiếng khóc chào đời của cháu bé mới được cất lên. Nó đã phá vỡ không gian yên tĩnh của trại tạm giam. Cuộc vượt cạn thành công, mẹ tròn con vuông. Cháu bé dù phải sinh mổ nhưng nặng 3,5 kg, hoàn toàn khỏe mạnh. Cả trại giam đang yên lặng vì hồi hộp, lo lắng bỗng nhiên vỡ òa trong sự sung sướng.
Hạnh phúc không chỉ đọng lại trên mắt người mẹ lạc đường mà khuôn mặt của những cán bộ trại giam trực hôm đó cũng giãn ra. Cứ mỗi lần đón thêm một thành viên mới, không khí nơi đất trại lại chộn rộn, háo hức lạ thường.
Ngoài đối tượng Hà Thị Sâm, hiện tại, Trại tạm giam Công an tỉnh còn có ba đối tượng khác đang mang thai chờ ngày sinh nở. Họ đều là những bị can đang trong quá trình tạm giam chờ xét xử. Trong đó, hai "bà mẹ" Vi Thị Năm (SN 1974, ở xã Đôn Phục, Con Cuông, Nghệ An) và Lương Thị Thuyên (SN 1972, trú xã Yên Hòa, Tương Dương, Nghệ An) đều bị bắt vì tội danh buôn bán trẻ em.
Khi vào trại, Năm mang thai ở tuần thứ 22 còn em bé trong bụng Thuyên đã ở tuần thứ 15. Ngoài ra, còn có đối tượng Nguyễn Thị Phượng (SN 1980, ở xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Lưu) vào trại vì trả giá cho hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Phượng bị bắt tháng 4/2012 khi thai nhi đã 17 tuần tuổi. Trong bốn đối tượng trên, ngoại trừ Nguyễn Thị Phượng đã lĩnh án 24 tháng tù giam thì các đối tượng còn lại đang trong quá trình tạm giam, chờ ngày ra trước vành móng ngựa.
Tâm sự với PV Người đưa tin, Bác sĩ - Trung tá Đậu Đức Dũng, Bệnh xá trưởng Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Các đối tượng này khi mới vào trại đều tự khai nhận đã có thai. Chúng tôi phải đưa các bị can đi khám tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe để xác định tính chân thực của họ. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn xác định tuổi của thai nhi và sức khỏe hiện tại của bé sau những chấn động tâm lý của mẹ. Khi có kết luận chính xác từ các trung tâm này, đơn vị đã lập công văn gửi các cơ quan tố tụng về việc hoãn thi hành án đối với bị cáo. Tuy nhiên, vì cả bốn đối tượng đều thuộc tội phạm đặc biệt nên vẫn tiếp tục bị tạm giam. Lúc này, các bác sĩ trong trại giam lại phải kiêm thêm một nhiệm vụ nữa. Đó là chăm sóc các bà bầu.
Xuất phát từ tình người, để tiện bề chăm sóc, Ban giám thị đã quyết định đưa các bà bầu ra khỏi nhà giam. Họ được chuyển đến ở tại khu bệnh xá để tiện thăm khám và đưa đi bệnh viện siêu âm, chẩn đoán đúng kỳ hạn. Lúc này, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc cũng được thực hiện chu đáo, đặc biệt để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ lẫn con.
Ba bị can chuẩn bị sinh con tại Trại tạm giam Công an tỉnh.
Nhiệm vụ "bất đắc dĩ"
Tính nhân văn, đạo lý làm người vẫn luôn được các thế hệ người Việt Nam nhắc nhở nhau. Việc các sản phụ "lầm đường lạc lối" là điều đáng tiếc nhưng bản năng làm mẹ của họ vẫn rất thiêng liêng. Hơn nữa, đứa trẻ trong bụng họ không có tội. Dựa trên tội trạng của họ, cần phải xử lý một cách nghiêm minh để kịp thời răn đe giáo dục, tuy nhiên, những đứa trẻ chào đời, dù là con của ai và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có quyền được hưởng sự yêu thương, chăm sóc và nâng đỡ. Với tinh thần đó, ngay từ khi biết các đối tượng này mang thai, đơn vị đã lên kế hoạch tạm giam và có chế độ chăm sóc đặc biệt.
Ở cái nơi một bà mẹ không có quyền được lượn lờ các cửa hàng để mua đồ cho ngày "khai hoa nở nhụy" thì việc đó lại được giao cho các cán bộ trại tạm giam. Mỗi khi có ca "vượt cạn", cả đơn vị tất bật chuẩn bị cho một cháu bé ra đời. Họ làm việc, chăm sóc cho đứa trẻ như thể đang chào đón một thành viên mới trong gia đình của mình.
Trước kỳ sinh nở, đại diện các hội phụ nữ, đoàn thanh niên và Ban giám thị thường xuyên thăm nom, động viên các bà mẹ. Sau khi em bé chào đời, ngoài việc cử năm cán bộ chiến sỹ trực tại bệnh viện, đơn vị cũng đã phân công trách nhiệm cán bộ hồ sơ, y tế liên hệ bệnh viện phối hợp với chính quyền địa phương để làm khai sinh cho các cháu.
Hồi nhớ lại những ca sinh nở trên đất trại này, bác sĩ Trung đặc biệt ấn tượng với trường hợp của Vi Thị Liễu (ở xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn, Nghệ An). Trước đó, Liễu bị bắt vì tội buôn bán trái phép chất ma túy. Ngày ra vành móng ngựa, y lãnh án 13 năm tù giam. Vào trại, thị không những mang thai mà còn bị nhiễm HIV. Cả đơn vị đã tiến hành chăm sóc đối tượng trong điều kiện rất đặc biệt. Tuy nhiên đến kỳ chuẩn bị "khai hoa", Liễu có quyết định thi hành án nên được chuyển đến trại giam trực thuộc Bộ Công an. Dẫu không chứng kiến giây phút đón tiếng khóc chào đời của đứa bé sinh ra từ người mẹ ấy nhưng khi có cơ hội, các cán bộ trại tạm giam vẫn hỏi thăm tình hình về mẹ con thị.
Học cách làm mẹt ừ lần "vượt cạn"của phạm nhân Xuất phát từ chính sách nhân đạo, trại tạm giam đã làm tất cả những gì có thể để đảm bảo cho sản phụ và thai nhi được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất. Như chuyện sản phụ Hà Thị Sâm sinh con vừa rồi, trong suốt một tuần nằm viện, đơn vị đã cắt cử cán bộ chiến sĩ, vừa trực, vừa chăm sóc cho cả hai mẹ con. Phần lớn các chiến sĩ được cắt cử đều có tuổi đời rất trẻ. Mặc dù chưa một ai trong số họ lập gia đình nhưng tất cả đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Sau cuộc vượt cạn thành công của mẹ con sản phụ Sâm, các cán bộ trại vẫn tất bật chuẩn bị những thứ cần thiết để chào đón sự ra đời của ba đứa trẻ khác. Nhiều cán bộ trẻ từng được cắt cử chăm sóc "mẹ và bé" đều cười hạnh phúc cho biết, nhờ những nhiệm vụ "bất đắc dĩ" ấy, họ đã học được rất nhiều kinh nghiệm làm mẹ cho chính mình. |
Loan Nguyễn