"Vượt khó", xuất khẩu thủy sản đặt mục tiêu 9,5 tỷ USD năm 2024

"Vượt khó", xuất khẩu thủy sản đặt mục tiêu 9,5 tỷ USD năm 2024

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 6, 22/12/2023 07:00

Dự báo năm 2024 sẽ còn nhiều khó khăn do nhu cầu nhập khẩu vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thị trường.

Xuất khẩu thủy sản năm 2023 thu về 9,2 tỷ USD

Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xuất khẩu thủy sản năm 2023 ước khoảng 9,2 tỷ USD, đạt 92% so với kế hoạch (10 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu tập trung vào: Tôm khoảng 3,45 tỷ USD; cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD.

Theo báo Công Thương, do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine kéo dài, giao tranh giữa Israel - Hamas, tình hình bất ổn tại Trung Đông khiến kinh tế thế giới phục hồi chậm; giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao, chi phí logistics cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ chững lại và quy mô sản xuất bị thu hẹp; Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam,... khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam không đạt được kế hoạch đề ra.

Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó cục trưởng Cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản năm 2023 ước đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022. Trong số đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn, tương đương với năm 2022; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,408 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022.

Riêng sản lượng khai thác chưa đạt chỉ tiêu đề ra là phải giảm còn 3,68 triệu tấn. Còn về nuôi trồng thì riêng nuôi biển đạt khoảng 9,5 triệu m3 lồng, tăng 5,5% so với năm 2022, cùng với 57.000 ha nuôi nhuyễn thể. Tổng sản lượng nuôi biển đạt khoảng 789.800 tấn, tăng 10,1% so với năm 2022.

Trong khi đó, ông Dương Long Trì, Phó Tổng thư ký Hội Thủy sản Việt Nam cho rằng, sản lượng tôm và cá tra đều tăng nhưng nếu tăng sản lượng mãi cũng khó. Đến nay, sản lượng tôm nuôi khoảng 1,1 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu vẫn chỉ dao động từ 3,5 - 4 tỷ USD, trong khi trước đây chỉ có 700.000 tấn, giá trị cũng đạt tương đương. Vì vậy, cần xem xét giải pháp sơ chế, chế biến để nâng cao được giá trị sản phẩm chủ lực để nâng cao kim ngạch xuất khẩu.

Kinh tế vĩ mô - 'Vượt khó', xuất khẩu thủy sản đặt mục tiêu 9,5 tỷ USD năm 2024

Bất chấp những khó khăn, ngành thuỷ sản vẫn vượt nhiều chỉ tiêu trong năm 2023. Ảnh minh họa.

Dự báo năm 2024 xuất khẩu thủy sản đặt mục tiêu 9,5 tỷ USD

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 9,22 triệu tấn, tương đương so với ước thực hiện năm 2023. Trong số đó, sản lượng khai thác khoảng 3,54 triệu tấn, giảm 8,3% so với năm 2023; sản lượng nuôi trồng 5,68 triệu tấn, tăng 5% so với ước năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9,5 tỷ USD.

Theo ông Trần Đình Luân, nguồn lợi hải sản suy giảm; Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác; nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chưa có dấu hiệu hồi phục là những khó khăn mà ngành tiếp tục phải đối mặt đòi hỏi nỗ lực của toàn ngành. Cùng với tăng cường liên kết doanh nghiệp với chuỗi giá trị thủy sản, gỡ khó về thị trường đối với các sản phẩm chủ lực, ngành tiếp tục giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản.

Ông Trần Đình Luân cho rằng, phải tiếp tục tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi và chuỗi ngang. Trong lĩnh vực khai thác phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; khai thác phải phù hợp với trữ lượng nguồn lợi và đảm bảo an toàn thực phẩm trên tàu cá, cảng cá về đến nhà máy. Ngoài yêu cầu về giảm phát thải, tăng sản xuất xanh thì phúc lợi động vật cũng là vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thời gian tới. Đây không chỉ là nhu cầu của thị trường trong nước mà còn là xu hướng thị trường tiêu dùng thế giới thời gian tới.

Theo TTXVN, nhận diện khó khăn và triển khai nhiệm vụ năm 2024, các chuyên gia cho rằng, thủy sản đã chuyển dần từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế thủy sản tập trung; phát triển thị trường, sản xuất sản phẩm đặc thù, kết hợp với nhiều lĩnh vực, ngành nghề tạo thành liên kết chuỗi sản phẩm thủy sản.

Trong báo cáo mới nhất gửi Chính phủ và Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Đáng chú ý trong năm 2023, sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%.

Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 11 tỷ USD (mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước). Trong đó một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: hàng rau quả tăng trên 70% và gạo tăng trên 36%; Gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới, thông tin trên VTC News.

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.