Vượt qua tình trạng manh mún để thoát “lời nguyền” được mùa mất giá

Vượt qua tình trạng manh mún để thoát “lời nguyền” được mùa mất giá

Trần Thị Tú Anh

Trần Thị Tú Anh

Thứ 5, 03/08/2023 14:14

Theo ông Lê Đức Thịnh, để thoát khỏi “lời nguyền" được mùa rớt giá thì phải vượt qua tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và phải kết nối thành chuỗi có sự hợp tác.

Sáng 3/8, Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy địa phương đã diễn ra với sự tham gia của lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cùng với đại diện các Bộ, ngành, địa phương.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, việc tìm kiếm những không gian phát triển ở cấp vùng, cụm vùng và tiểu vùng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, nhằm giúp các địa phương và cả nước đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế sắp tới.

Tuy vậy, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đánh giá trên thực tế, liên kết vùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, kinh tế xã hội các vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

Liên kết kinh tế vùng cũng chưa được mở đường, dẫn dắt mạnh, trong khi chủ thể liên kết quan trọng là doanh nghiệp, là HTX và các tổ chức về kinh tế chưa phát huy được vai trò của mình. Rõ ràng là trong quá trình thiết lập mô hình hợp tác liên kết, chúng ta lại ít nói về hoạt động này.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh, điều cần làm trong thời gian tới là phải bứt phá khỏi cách làm cũ, nhất là cần sự kết nối hợp lý, phân bổ, thực hiện đồng bộ, phối hợp, bổ trợ, bổ sung cho nhau. Liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới.

3 nhóm cơ hội và thách thức

Đồng quan điểm với ông Thịnh, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội và thách thức đối với thúc đẩy liên kết vùng. Theo đó, Viện trưởng CIEM nêu ra 3 nhóm cơ hội và thách thức chính.

Kinh tế vĩ mô - Vượt qua tình trạng manh mún để thoát “lời nguyền” được mùa mất giá

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phát biểu tại diễn đàn.

Thứ nhất, bối cảnh hội nhập quốc tế đang đặt ra những cơ hội, thách thức mới đối với thúc đẩy liên kết vùng. Cụ thể, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng còn không ít bất định, thậm chí cả các diễn biến khó lường.

Trong khi đó, việc Việt Nam tham gia rất tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế, việc tham gia liên kết khu vực và quốc tế chắc chắn sẽ kéo theo nhiều hình thức liên kết kinh tế mới, kể cả với các đối tác nước ngoài, qua đó giúp có thêm tăng cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Điều này sẽ có tác động không nhỏ tới hoạt động phối hợp giữa các chính quyền địa phương trong vùng.

Thứ hai, đó là thể chế hình thành và thúc đẩy liên kết vùng ở Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện. Cho đến năm 2021, các đánh giá vẫn cho thấy, một thách thức cản trở sự phát triển của các vùng nói chung và liên kết vùng nói riêng chính là thiếu các thể chế đủ mạnh.

Thêm vào đó, bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng đặt ra thêm khó khăn, thách thức cho việc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy liên kết vùng. Về nguồn lực, ngân sách Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại, các nguồn thu ngân sách sụt giảm trong khi nhu cầu chi ngân sách tăng cao.

“Do vậy, nếu thiếu ưu tiên đúng mức cho việc bố trí nguồn lực cho các chương trình, dự án liên kết vùng gắn với các tiêu chí phân bổ và đánh giá cụ thể, khả thi, thì các chương trình, dự án này có thể chậm triển khai, thậm chí không triển khai được như mục tiêu, kế hoạch đề ra” bà Minh trăn trở.

Thứ ba, biến đổi khí hậu không còn là dự báo mà đang diễn ra ngày càng sâu rộng và gay gắt, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng ở mỗi vùng là khác nhau. Bối cảnh đó đã đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức và đây là vấn đề lớn, đa ngành nên đòi hỏi Việt Nam cần có cơ chế, cách thức quản trị vùng một cách hiệu quả, phù hợp với đặc thù của từng vùng.

Thoát khỏi “lời nguyền" được mùa rớt giá

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng, cần thiết tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp gắn với phát triển HTX và liên kết chuỗi giá trị nông sản, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp trên cơ sở phát triển HTX và liên kết chuỗi giá trị nông sản, xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản đạt chuẩn. 

Kinh tế vĩ mô - Vượt qua tình trạng manh mún để thoát “lời nguyền” được mùa mất giá (Hình 2).

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) phát biểu tại diễn đàn.

Dẫn lại câu nói của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn “Hợp tác xã, hợp tác xã hay không là gì cả. Hợp tác xã nông nghiệp là giải pháp trong chuyển đổi nông nghiệp và chỉ hợp tác xã mới vượt qua lời nguyền “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” ông Thịnh nhìn nhận, HTX cần đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp và chuyên nghiệp hóa nông dân.

Cùng với đó cần nâng cao tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trong nông nghiệp, tránh phát triển tự phát, thiếu định hướng thị trường, tuyến tính, tự cạnh tranh lẫn nhau, đồng thời nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.

Tuy vậy, tồn tại của các HTX là quy mô nhỏ, ít thành viên; động lực từ bên ngoài thay vì lợi ích từ chính HTX đem lại; bên cạnh đó trình độ, năng lực quản trị còn kém; thiếu thông tin thị trường.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, quan điểm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan đó là: Để thoát khỏi “lời nguyền được mùa rớt giá chỉ có cách chúng ta phải tổ chức lại sản xuất”.

Ông Thịnh nhấn mạnh đó là mệnh lệnh, để vượt qua lời nguyền thì phải vượt qua tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và phải kết nối thành chuỗi - trong chuỗi này có sự hợp tác của những người hợp tác với nhau, trong chuỗi đó có sự hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp, hình thành tư duy hợp tác và tư duy liên kết. 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.