“Vượt rào” tuyển sinh, các trường sẽ bị Bộ GD&ĐT xử lý

“Vượt rào” tuyển sinh, các trường sẽ bị Bộ GD&ĐT xử lý

Vương Thị Thảo

Vương Thị Thảo

Thứ 3, 23/07/2019 09:00

Các trường đại học cố tình hạ điểm sàn, khai khống số lượng giảng viên cơ hữu để tuyển sinh vượt chỉ tiêu sẽ bị trừ chỉ tiêu năm sau; cấm tự chủ tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo; Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường và những người liên quan sẽ bị kỷ luật, phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm…

Truyền thông - “Vượt rào” tuyển sinh, các trường sẽ bị Bộ GD&ĐT xử lý

Hội nghị trực tuyến công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện luật sử đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục Đại học ngày 17/7 tại Hà Nội.

Bộ sẽ làm nghiêm…

Tại “Hội nghị trực tuyến công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện luật sử đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục Đại học” ngày 17/7, TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Thời gian qua đã xảy ra tình trạng một số cơ sở giáo dục đại học xác định chưa chính xác về số lượng giảng viên, kê “khống” giảng viên nhằm mục đích tăng chỉ tiêu tuyển sinh và tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Bộ đã có các văn bản chấn chỉnh, yêu cầu các trường cần xác định đúng số lượng giảng viên cơ hữu và gửi báo cáo đội ngũ giảng viên chi tiết đến từng chuyên ngành, số chứng minh nhân dân của giảng viên để xây dựng dữ liệu giảng viên cho toàn ngành.

Không những thế, Bộ còn yêu cầu các trường đại học đăng tải công khai trên Cổng thông tin tuyển sinh số lượng và tên tuổi của các thí sinh trúng tuyển để các em có thể tra theo tên, biết mình nằm trong danh sách trúng tuyển của trường nào; trường nào tuyển sinh chui, "kê khống". 

Để đảm bảo chất lượng đầu vào; sự minh bạch, cạnh tranh công bằng giữa các trường; giúp phụ huynh và thí sinh dễ dàng theo dõi; phục vụ cho việc giám sát, thực hiện hậu kiểm trong mùa tuyển sinh năm nay… Bộ GD&ĐT sẽ xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy chế tuyển sinh.

Cụ thể, các trường đại học cố tình vi phạm các quy định chung về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị trừ chỉ tiêu năm sau, cấm tự chủ tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo, bị xử phạt hành chính; Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, viên chức, bị phạt hành chính, hình sự... tùy theo mức độ vi phạm.

Chia sẻ về chủ trương này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Có rất nhiều trường tuyển sinh ồ ạt, tuyển sinh không đảm bảo chất lượng hoặc mở ngành không đúng với những tổ hợp kỳ lạ. Dù được nhắc nhở nhưng trường vẫn không thực hiện theo và vẫn tiếp tục liên kết bừa bãi. Tới đây, Bộ sẽ làm nghiêm chuyện này".

Được biết, chế tài trên đã được quy định trong Luật. Thậm chí, từng có ý kiến cho rằng nếu vi phạm, trường có thể bị dừng tuyển sinh.

Cho tự chủ tuyển sinh nhưng không có nghĩa là tuyển sinh bằng mọi cách

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nhiều trường vẫn mất nhiều tâm sức cho xét tuyển, trong khi trường đại học còn phải trách nhiệm với người học, cam kết với họ để khi ra trường có việc làm tốt. “Tự chủ đại học là trục xuyên suốt; tuyển sinh chỉ là một khâu…” Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Truyền thông - “Vượt rào” tuyển sinh, các trường sẽ bị Bộ GD&ĐT xử lý  (Hình 2).

Ủng hộ quan điểm của Bộ GD&ĐT, TS. Lương Cao Đông – Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam nêu quan điểm: “Bộ cho các trường đại học được tự chủ tuyển sinh  không có nghĩa là các trường được phép tuyển sinh bằng mọi cách. Việc thực hiện đúng quy định để đảm bảo chất lượng đào tạo là cần thiết”.

Đồng quan điểm, cho rằng cần minh bạch trong tuyển sinh, đặc biệt việc xây dựng cơ sở dữ liệu giảng viên cơ hữu, TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT ĐH FPT cũng ủng hộ quan điểm cần xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định tuyển sinh của Bộ.

PGS-TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đánh giá cao việc xây dựng cơ sở dữ liệu giảng viên, thậm chí sinh viên để minh bạch thông tin. “Vấn đề tuyển sinh, chất lượng minh bạch thì trường mới phát triển được…” PGS-TS Hoàng Minh Sơn nói.

Thí sinh trúng tuyển chui dễ bị buộc thôi học

Không chỉ các cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định tuyển sinh bị xử lý nghiêm, các thí sinh trúng tuyển theo diện tuyển sinh không đúng quy định về điểm sàn, xét tuyển học bạ hoặc chỉ tiêu tuyển vượt quy định sẽ bị rà soát và xử lý. Tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị hủy toàn bộ kết quả thi và buộc thôi học. Cụ thể, năm 2018, Trường ĐH Y Hà Nội đã buộc thôi học 3 sinh viên; ĐH Thương mại buộc thôi học 1 sinh viên; ĐH Ngoại thương buộc thôi học và thu hồi quyết định trúng tuyển của 2 thí sinh do gian lận thi cử.

Do đó, các thí sinh cần sáng suốt trong việc lựa chọn ngành học, trường đại học để hợp với sở trường, đúng với năng lực của bản thân để theo học. Những thí sinh không đủ các điều kiện để xét tuyển vào đại học nên đi học cao đẳng, học nghề để đảm bảo có được nghề nghiệp ổn định trong tương lai.

Thu Hòe

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.