Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho rằng, dường như cơ quan tình báo Mỹ đang trì hoãn cung cấp thông tin để dựng lên vụ việc tin tặc Nga tấn công mạng.
"Cuộc họp cung cấp thông tin về cái gọi là “tin tặc Nga tấn công” đã bị trì hoãn sang ngày 6/1, có lẽ họ cần thêm thời gian để xây dựng một vụ việc. Rất kỳ lạ.", ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter.
Trước đây, ông Trump cũng từng tuyên bố, ông nghi ngờ kết luận của tình báo Mỹ về việc tin tặc Nga tấn công máy tính của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 nên lên kế hoạch thảo luận với tình báo Mỹ về các cáo buộc tấn công mạng.
Đây là phản ứng tiếp theo sau chuỗi phản ứng bảo vệ Nga của ông Trump. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố lệnh trừng phạt Nga vì cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Quyết định này của ông Obama nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Nhưng ông Trump lại khác. Trong tuyên bố được đưa ra sau lệnh trừng phạt Nga, ông Trump cho rằng, nước Mỹ cần "hướng tới những điều lớn lao và tốt đẹp hơn".
"Tuy nhiên, vì lợi ích của đất nước và người dân Mỹ, tôi sẽ gặp gỡ giới lãnh đạo tình báo vào tuần tới để cập nhật tình hình về vấn đề này", ông chủ mới sắp tới của Nhà Trắng nhấn mạnh.
Trước đó, trong cuộc trao đổi với báo giới vào đêm 28/12, ông Trump cũng đã đưa ra những bình luận về việc liệu Mỹ có áp dụng các biện pháp trừng phạt với Nga hay không.
"Tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu một cuộc sống bình thường. Tôi cho rằng máy tính đã khiến cuộc sống của chúng ta phức tạp hơn rất nhiều", Tổng thống đắc cử của Mỹ cho biết.
Phản ứng của ông Trump đã khắc sâu thêm những nghi vấn về mối quan hệ giữa vị Tổng thống đắc cử này với Nga trong quá khứ cũng như kế hoạch hợp tác của ông với ông Putin trong tương lai. Còn về phía ông Putin, ông tỏ rõ thái độ thiện chí với ông Trump.
Lâu nay, ông Trump luôn thể hiện mối quan hệ nồng ấm với nước Nga và nhà lãnh đạo Putin.
Trong thời gian tranh cử, ông đã nhiều lần ca ngợi nước Nga và ông Putin, thậm chí ông còn so sánh rằng ông chủ điện Kremlin có tài lãnh đạo hơn ông chủ Nhà Trắng khiến ông Obama và bà Clinton khi đó chỉ trích mạnh mẽ.
Và đứng trước cáo buộc của chính quyền ông Obama rằng Nga đứng sau cuộc tấn công mạng nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016 và giúp ông Trump chiến thắng, ông Trump đã phủ nhận hoàn toàn sự việc.
Vì sao ông Trump lại có thái độ thiện chí với Nga như vậy?
Tờ Washington Post nêu các giả thiết về thái độ ít thù địch của vị Tổng thống đắc cử Mỹ với Nga: Thiếu kinh nghiệm đối ngoại, sự ngưỡng mộ đối với những nhân vật chính trị tầm cỡ và sự “ngây thơ” trước những ý định của Nga.
Dù thừa nhận vẫn chưa rõ những ý đồ của Tổng thống đắc cử, nhưng bài báo cũng đưa ra nhiều nghi vấn: “Ông Trump cương quyết từ chối giải thích về những cách ứng xử của mình.
Phải chăng đã có những thỏa thuận hoặc những giao dịch ngầm với các doanh nghiệp Nga hoặc nhà nước Nga trong quá trình vận động tranh cử? Phải chăng đã có những trao đổi bí mật với ông Putin hoặc những người đại diện của ông ấy?
Chúng tôi sẽ rất vui mừng được giải tỏa những ngờ vực đó nhưng thái độ kỳ lạ của ông Trump trước mối đe dọa rõ ràng của Nga, cùng với thái độ hào hứng rõ ràng của ông Putin dành cho Tổng thống đắc cử quả khó lòng giải thích được”.
Xem thêm >> Dù Trump nhiệt tình, Nga vẫn gặp 'khó' trong năm 2017
Đào Vũ