Trong chiến lược mới về hạt nhân mà bộ Quốc phòng Mỹ ngày 2/2 công bố, Washington đã kêu gọi tăng cường năng lực hạt nhân nhằm đối phó Nga. Theo bản đánh giá tình trạng hạt nhân (NPR) của bộ Quốc phòng Mỹ, Washington quan ngại việc Nga coi vũ khí hạt nhân Mỹ "quá lớn" và cho rằng điều này sẽ làm hạn chế khả năng răn đe.
Vì lẽ đó nên NPR đề xuất phát triển vũ khí hạt nhân theo hướng nhỏ gọn hơn, tương đương lượng nổ dưới 20 kiloton. "Chiến lược của chúng ta là đảm bảo Nga hiểu rằng bất cứ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào, dù là hạn chế đều không thể chấp nhận được", NPR nêu rõ.
Đề xuất hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân được đánh giá không làm gia tăng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ nhưng sẽ định hình lại mục đích sử dụng các đầu đạn hạt nhân. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010 quân đội Mỹ đưa ra một bản đánh giá về kho vũ khí hạt nhân và các mối đe dọa hạt nhân trong tương lai.
"Suốt một thập niên qua, trong khi Mỹ ra sức giảm vai trò và số lượng vũ khí hạt nhân, thì các quốc gia hạt nhân khác vẫn mở rộng kho vũ khí của họ, tăng cường vai trò của vũ khí hạt nhân trong các chiến lược an ninh và một số trường hợp thậm chí theo đuổi việc phát triển năng lực hạt nhân mới để đe dọa các quốc gia khác", Tổng thống Donald Trump lên tiếng ủng hộ chính sách hạt nhân mới.
Bình luận về chính sách vũ khí hạt nhân mới của Mỹ, báo Washington Post cho hay, có thể thấy dưới thời cầm quyền của Tổng thống Donald Trump, Washington đã tiếp tục trở lại với chiến lược mở rộng quy mô sau các nỗ lực giảm bớt vai trò của vũ khí hạt nhân dưới thời ông Barack Obama.
Chính sách hạt nhân của Mỹ dưới thời ông Obama được hoạch định dựa trên quan điểm mà ông Obama gọi là trách nhiệm đạo đức của nước Mỹ khi phải nêu gương trong quá trình loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi thế giới. Song giới chức của chính quyền ông Trump lại cho rằng cách tiếp cận của ông Obama là quá lý tưởng hóa. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho rằng, hiện nay theo đánh giá của Bộ này, Nga đang xuất hiện trở lại trong thế đối đầu với Mỹ.
"Trong nhiều năm qua, Nga và Trung Quốc đã phát triển nhiều thể loại vũ khí hạt nhân mới, cả các hệ thống tấn công và đầu đạn hạt nhân. Chúng ta thì không như vậy, điều này có nghĩa năng lực các kho vũ khí hạt nhân của Nga và Trung Quốc đang thực sự tốt hơn chúng ta", Tướng không quân Mỹ Paul J. Selva nhận định.
Động thái cải thiện chất lượng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga được cho là có tác động lớn đến Trung Quốc. Theo tờ Quân đội nhân dân nhật báo (PLA Daily) của Trung Quốc, Bắc Kinh cần tăng cường khả năng răn đe và phản công hạt nhân, nhằm duy trì sức mạnh quân sự chiến lược trước Mỹ và Nga.
“Để chuẩn bị cho những thay đổi không thể dự đoán trước trong thế giới ngày nay và cải thiện khả năng răn đe chiến lược, chúng ta phải xây dựng một lực lượng hạt nhân đáng tin cậy và khả năng đáp trả bằng vũ khí hạt nhân”, tờ PLA Daily nhấn mạnh.
Bài bình luận trên tờ PLA Daily nhận định, Trung Quốc đã có đủ vũ khí hạt nhân để phòng ngừa "bị bắt nạt" bởi các cường quốc hạt nhân khác nhưng vẫn cần phải đáp ứng với những thay đổi chiến thuật của Mỹ.
Việc Mỹ công bố chính sách mới về vũ khí hạt nhân cũng không gây nhiều bất ngờ. Ngay từ khi tranh cử, ông Donald Trump đã bày tỏ ý định sẽ mở rộng quy mô và củng cố sức mạnh hạt nhân của Mỹ. Và trong bài thông điệp liên bang đầu tiên hôm 30/1, ông Trump cũng cam kết sẽ xây dựng một kho vũ khí hạt nhân "mạnh mẽ và uy lực tới mức có thể răn đe mọi hành vi gây hấn". Do đó rất nhiều quan chức cấp cao và nhà lập pháp đã cảnh báo rằng, một cuộc chạy đua vũ trang mới có thể được châm ngòi.
Xem thêm >> Mỹ: Nữ sinh 12 tuổi nổ súng giữa trường vì nhầm tưởng đồ chơi?