Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 20/3 cho biết, các trận động đất kinh hoàng hồi tháng Hai sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Syria giảm 5,5% trong năm 2023 và nước này cần 7,9 tỷ USD trong 3 năm để tái thiết.
Trước đó, WB đã dự báo GDP trong năm 2023 của Syria sẽ giảm 3,2% do xung đột vũ trang tiếp diễn, giá năng lượng và lương thực tăng cao cũng như tình trạng hạn hán dẫn đến mất mùa.
Các tác động tiêu cực của động đất khiến GDP của Syria giảm thêm 2,3% nữa, theo đó giảm 5,5% trong năm nay, khiến tình hình nước này tồi tệ hơn nữa sau 12 năm xung đột.
Theo báo cáo Đánh giá nhanh về thiệt hại và nhu cầu của WB, thảm họa động đất vừa qua khiến Syria thiệt hại tổng cộng 5,2 tỷ USD, bao gồm 3,7 tỷ USD về hạ tầng và 1,5 tỷ USD về các vấn đề kinh tế liên quan khác.
Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là nhà ở, giao thông, môi trường và nông nghiệp. Theo WB, trong số 7,9 tỷ USD ước tính cần để tái thiết, cần dùng 3,7 tỷ USD trong năm đầu tiên và 4,2 tỷ USD sử dụng 2 năm tiếp theo. Trong số đó, ngành nông nghiệp có nhu cầu lớn nhất (27%), tiếp theo là nhà ở (18%), bảo trợ xã hội (16%) và giao thông (12%).
“Sự suy giảm kinh tế gia tăng chủ yếu do các cơ sở hạ tầng bị phá hủy và các hoạt động thương mại bị đình trệ", tuyên bố của WB nhấn mạnh.
Ngân hàng này cũng cảnh báo: “Lạm phát sẽ tăng đáng kể, chủ yếu do khan hiếm hàng hóa, chi phí vận chuyển tăng và nhu cầu chung về vật liệu tái thiết tăng".
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 20/3, Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết viện trợ 7 tỷ euro (7,5 tỷ USD) giúp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả động đất.
Hội nghị do Liên minh châu Âu (EU) chủ trì, thu hút khoảng 400 nhà tài trợ quốc tế, gồm nhiều chính phủ và tổ chức phi chính phủ, đã cam kết tài trợ 7 tỷ euro để giúp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả thảm họa động đất.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, 27 quốc gia thành viên EU tuyên bố sẽ viện trợ 3,3 tỷ euro, riêng EC cam kết chi 1 tỷ euro để hỗ trợ các nỗ lực tái thiết tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Người đứng đầu EC nói: “Hiện vẫn còn hàng triệu người sống trong cảnh vô gia cư, hoặc phải sống trong các lều tạm khi mùa đông kéo dài".
Bà Leyen khẳng định: “Nhà cửa, trường học và bệnh viện phải được xây dựng lại với tiêu chuẩn cao nhất về an toàn chống động đất. Hệ thống cung cấp nước, thiết bị vệ sinh và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác phải được sửa chữa. Các dịch vụ công và doanh nghiệp cần vốn để khởi động lại".
Theo Chủ tịch Leyen, ngoài khoản chi trên, EC sẽ chi thêm 108 triệu euro cho hỗ trợ nhân đạo và phục hồi ở Syria.
Minh Hoa (t/h)