Nguyễn Thị Lan, 25 tuổi, một người giúp việc nhà chuyên nghiệp tại TP.HCM đang lo lắng bị mất việc. Chủ nhà của chị gần đây đã sử dụng các “con” robot nhỏ bằng tập vở, để lau chùi nhà cửa.
“Đó là việc có thể sau cùng của tôi”, chị nói trong nụ cười, “sau khi họ đã trang bị máy rửa chén bát và sử dụng các ứng dụng thông minh khác bật mở đèn và máy nghe nhạc qua điện thoại cầm tay. Họ gọi là “internet vạn vật” gì đó mà tôi không hiểu”.
Chủ nhà của chị là một gia đình trẻ Việt Nam gồm 4 thành viên - hai vợ chồng đều ở tuổi trên dưới 30, đều tốt nghiệp từ các đại học nước ngoài và hai con đều học ở trường mầm non quốc tế. Gia đình này có thể là tiêu biểu cho thành phần trung lưu trẻ ở Việt Nam của thời đại công nghiệp 4.0.
“Cách đây 20 năm, khi mới gia nhập vào WTO, nỗi lo về “người máy” thật xa vời, gần như viễn tưởng”, ông Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán WTO của Việt Nam, nhận xét khi chúng tôi kể ông nghe câu chuyện của chị Lan.
Câu chuyện của chị Lan tưởng chừng rất nhỏ, nhưng nó sẽ trở thành một trong những đề tài lớn được thảo luận tại một diễn đàn kinh tế quan trọng: Diễn đàn Kinh tế Thế giới ASEAN (WEF – ASEAN) tổ chức tại Hà Nội từ ngày 11 đến 13/9/2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đánh giá: “Đây sẽ là sự kiện quốc tế lớn nhất trong năm được tổ chức tại Việt Nam”. Với mong muốn xây dựng xã hội trong đó bao gồm tất cả, không ai bị bỏ lại phía sau, những số phận nhỏ nhoi như chị Lan có quyền hi vọng.
Tương lai việc làm
Trong ASEAN, lực lượng lao động được dự báo sẽ bổ sung thêm 11.000 công nhân mỗi ngày, tức là trên 4 triệu người mỗi năm, trong 15 năm tới. Tuy nhiên, các robot công nghiệp hiện đang cạnh tranh với lao động có tay nghề thấp như chị Lan.
Ngoài ra, trí thông minh nhân tạo cũng đe dọa không ít các công việc dịch vụ tại các nước ASEAN. Vietravel và Saigontourist là hai doanh nghiệp du lịch lớn nhất Việt Nam đang dồn lực phát triển các ứng dụng thông minh để thu hút khách hàng trên mạng. Phạm Thị Hằng (có thể không phải tên thật), một nhân viên bán tour cho Vietravel Đà Nẵng cho biết chị đang ráo riết học thêm một chứng chỉ tiếng Anh và một tín chỉ phần mềm để có thể tiếp tục công việc tại công ty này, mà không lo sợ bị loại bỏ.
Trong khi đó, doanh nghiệp giàu có hàng đầu Việt Nam là Vingroup cũng đang đầu tư sản xuất xe hơi mang nhãn hiệu Vinfast với hi vọng sẽ chuyển sang “phương tiện tự lái” - một xu hướng tất yếu ở Đông Nam Á - trong một ngày không xa. “Chúng tôi đã hoàn thành việc xây dựng nhà máy sản xuất xe máy điện trước thời hạn”, ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Vingroup được tạp chí Forbes Việt Nam trích dẫn gần đây.
Tất cả điều này sẽ được “bao gồm” tại 60 phiên thảo luận của Diễn đàn kinh tế thế giới ASEAN 2018, lần thứ hai tổ chức tại Việt Nam (lần đầu vào năm 2010).
Tăng trưởng và tầng lớp trung lưu
Với dân số hơn 622 triệu người, ASEAN là thị trường lớn thứ ba thế giới. Sự tăng trưởng này đã tạo một tầng lớp trung lưu - như gia đình chủ của chị Lan nói trên – và sẽ tăng gấp đôi, lên 125 triệu vào năm 2025. Đây là thành phần tiêu thụ đáng giá mà hầu như các doanh nghiệp đều mong muốn.
“Riêng Việt Nam, tầng lớp trung lưu tức những người thu nhập hàng tháng 15 triệu đồng - trên 700 USD - đang gia tăng rất nhanh, từ 12 triệu người năm 2014 sẽ tăng lên 33 triệu người năm 2020”, Thomas Rinne, thuộc Tổ chức Tư vấn Boston (Boston Consulting Group), cho biết, theo một nghiên cứu do nhóm của ông thực hiện.
Tại WEF-ASEAN 2018, các diễn giả sẽ đi tìm các cách tiếp cận “giới trung lưu mới” đầy tiềm năng này, như nhà báo Sushant Palakurthi Rao viết cho trang thông tin của WEF 2018.
Tuy vậy, dù có tầng lớp tiêu dùng này hay không thì có một điều chắc chắn là: ASEAN sẽ mở cửa cho kinh doanh - sản xuất toàn cầu. Mở cửa kinh doanh làm ăn để làm gì, nếu cứu cánh của nó không phải là tạo công ăn việc làm cho tất cả người dân, không bỏ sót một ai. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh điều này khi ông thúc đẩy giới doanh nghiệp tư nhân Việt Nam mạnh dạn làm giàu.
Rào cản
Tuy vậy, các diễn giả tại WEF ASEAN 2018 chắc chắn phải thảo luận nhiều về các rào cản. Sự di chuyển tự do của ngay cả lao động có tay nghề cho đến nay vẫn là một thách thức lớn, và khó mà thấy sự thay đổi ấy trong tương lai gần.
Đầu năm nay, tạp chí Financial Times đã đăng bài báo trong đó các nhà tuyển dụng Google phàn nàn rằng họ không thể tuyển tài năng tại một nước Đông Nam Á như Việt Nam chẳng hạn, rồi đưa vào làm việc tại một nước Đông Nam Á khác như Thái Lan. “Luật lao động ở các nước Đông Nam Á làm mất nhiều thời gian hơn so với mong đợi”.
Những luật lao động như vậy là trở ngại chính trong vùng, khiến người lao động mất đi nhiều cơ hội. Việc dung hòa các quy định, vì vậy, là một mảng quan trọng của hội nhập khu vực mà các diễn giả tại Diễn đàn WEF ASEAN Hà Nội 2018 sẽ đề cập “như một cách tiếp cận quản trị khu vực mới”.
“Trong chuyện quan liêu - giấy tờ, khu vực ASEAN bị châu Âu bỏ xa phía sau”, cố Tổng thư ký Asean Surin Pitsuvan từng nói.
Các nước thành viên khác nhau ở khu vực ASEAN vẫn có quy định khác nhau về đầu tư trực tiếp nước ngoài. “Để được coi là thị trường mà nơi đó đầu tư được chào đón, ASEAN phải có các quy định chung về giấy phép”, Tiến sĩ Surin nhiều lần nhấn mạnh.
Tinh thần doanh nghiệp
“Doanh nghiêp nhỏ và vừa là xương sống của các nền kinh tế các nước ASEAN. Ví dụ ở các nước như Thái Lan và Việt Nam, họ chiếm gần 99% tổng số doanh nghiệp”, nhà báo Sushant Palakurthi Rao viết trên WEF 2018.
“Thương mại điện tử là một ví dụ điển hình về doanh nghiệp nhỏ và vừa, và mới khởi nghiệp. Họ thường sử dụng công nghệ 4.0 phá vỡ các lĩnh vực truyền thống. Mặc dù thương mại điện tử vẫn khiêm tốn tại các nước ASEAN hiện nay, chiếm chưa tới 1% tổng doanh thu bán lẻ, nhưng sẽ sớm thay đổi khi sự xâm nhập của internet lan rộng và cơ sở khách hàng của khu vực tiếp tục tăng”, vẫn theo nhà báo Sushant Palakurthi Rao.
Đây là lý do vì sao hơn 100 nhà khởi nghiệp trong khu vực được mời tham dự WEF ASEAN 2018 như những minh chứng sống cho tinh thần kinh doanh năng động.
Tại Việt Nam, những công ty thương mại điện tử, dù mới khởi nghiệp, đã chứng tỏ sức bền và tốc độ trên thị trường đầy cạnh tranh này như Tiki, Sendo, Adayroi…
Theo Sushant Palakurthi Rao, nếu các chính phủ ASEAN bảo đảm một hạ tầng internet tốt thì các nhà khởi nghiệp trẻ trong thương mại điện tử chắc chắn sẽ gặt hái thành công.
Cơm áo cho tất cả
Khi Diễn đàn Kinh tế Thế giới ASEAN 2018 diễn ra tại Hà Nội, GDP của Việt Nam được dự báo tăng 6,7% trong năm nay, nhưng Việt Nam không phải quốc gia duy nhất trong khu vực có một câu chuyện tăng trưởng đáng kể.
“10 quốc gia thành viên dự kiến sẽ tạo ra tốc độ tăng trưởng GDP từ 3% đến 8% trong giai đoạn 2017-2021”, ông Justin Wood, Trưởng ban Châu Á - Thái Bình Dương của WEF nhấn mạnh. Ông cho rằng ASEAN sẽ là một nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng bất chấp các thách thức của thời công nghiệp 4.0. “Đây là thời điểm tốt nhất để tổ chức WEF ASEAN 2018 tại Việt Nam”, Justin Wood nói thêm.
Thủ tướng Nhật Shino Abe, trong cuộc phỏng vấn với CNBC ngày 16/5/2017 đã nói: “Trong số các khái niệm hình thành trong thế kỷ 21, có khái niệm gọi là Công nghiệp 4.0. Chúng tôi có khái niệm Xã hội 5.0, với sự nhấn mạnh vào việc giải quyết các vấn đề xã hội, và làm phong phú thêm cuộc sống của con người, Xã hội 5.0 sẽ xuất hiện như một từ khóa quan trọng”.
Được biết, Diễn đàn kinh tế lớn nhất khu vực trong năm sẽ được nghe giọng ca của Lê Cát Trọng Lý. Cô sẽ mang đến cho người tham dự một tinh thần Việt Nam, vừa thực tế, vừa nhẫn nại và yêu thương, trong bài hát “Đưa cơm cho mẹ đi cày”.
Nhưng ý nghĩa mà người nghệ sĩ trẻ muốn gửi đi chính là: “Đưa cơm cho tất cả”. Và đó có thể là thông điệp cốt lõi của Diễn đàn này: Không ai bị mất miếng cơm… cho dù thời đại có được gọi là 4.0 hay 5.0 đi nữa.
Theo baochinhpu.vn