Như vậy, đây sẽ là “phát súng” báo hiệu đầu tiên cho chương trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và sắp xếp lại các ngân hàng thương mại yếu kém năm 2013 - vốn được cho là đang diễn ra chậm chạp so với hứa hẹn từ cơ quan điều hành.
Ý định sáp nhập của 2 tổ chức này từng rò rỉ từ giữa năm 2012, tuy nhiên đến nay, thông tin mới “danh chính ngôn thuận” công bố thông qua một Đề án quy mô với những phân tích cụ thể về tình hình mỗi bên trong thời điểm hiện tại. Và cũng chính trong Đề án này thì lộ trình đàm phán đã bắt đầu từ tháng 4/2012.
Để việc hợp nhất được thuận lợi, HĐQT Western Bank cũng đã trình Đại hội đồng cổ đông thông qua thành lập Ban xử lý sự cố rút tiền hàng loạt, trực thuộc Hội đồng quản trị.
“Cứu” Western Bank
Theo giải trình tại bản Đề án, đặt giữa bối cảnh các ngân hàng yếu kém bắt buộc phải tái cấu trúc, phải hợp nhất-sáp nhập với tổ chức tín dụng (TCTD) tốt hơn đảm bảo sự lành mạnh cho hệ thống, thì việc hợp nhất PVFC và WesternBank có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai phía, nhằm mục đích giải quyết các tồn tại, đồng thời tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của TCTD hợp nhất.
Trong số các lý do cho thấy việc “cần” và “nên” hợp nhất có việc giải quyết sự tồn tại của Western Bank, nâng cao hiệu quả, năng lực hoạt động, sức cạnh tranh cho PVFC và giảm được phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại PVFC
Lý do thứ nhất cũng có thể coi là lý do quan trọng nhất. Theo đánh giá của Thanh tra NHNN, tình hình tài chính của Western Bank có nhiều điểm đáng lưu ý. Cụ thể, tiền gửi liên ngân hàng có 1.118 tỷ đã quá hạn tại 4 ngân hàng: Đệ Nhất, Sài Gòn, Việt Nam Tín Nghĩa, Đại Tín và phải trích lập dự phòng 50%, tương đương 559 tỷ đồng.
Trong khi đó, khoản đầu tư vào trái phiếu 1.800 tỷ chưa có tài sản đảm bảo. Khoản đầu tư vào cổ phiếu KBC (của Kinh Bắc) phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán xấp xỉ 88 tỷ đồng. Trong mục lãi dự thu có gần 51 tỷ dự thu lãi cho các khoản tiền gửi tại 4 ngân hàng: Đệ Nhất, Sài Gòn, Việt Nam Tín Nghĩa, Đại Tín. Khoản lãi dự thu này phải xuất toán khỏi mục phải thu của Western Bank.
Vốn chủ sở hữu sau khi điều chỉnh số liệu trích lập dự phòng bổ sung giảm xuống còn 2.310 tỷ đồng, thiếu 690 tỷ đồng so với mức vốn điều lệ tối thiểu mà NHNN quy định. Tại 29/2/2012, tổng tài sản của Western Bank đã giảm từ 16.598 tỷ còn 15.667 tỷ, đồng thời gây khoản lỗ lũy kế trên hạch toán kế toán là 761 tỷ đồng.
Tuy Western Bank vẫn có thể duy trì khả năng thanh khoản trong ngắn hạn (trong vòng 6 tháng tới) nhưng ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong trung và dài hạn nếu không có những điều chỉnh về cơ cấu nguồn và tài sản. Cụ thể, trên 360 ngày thì ngân hàng sẽ bị mất cân đối thanh khoản trên 6.000 tỷ đồng.
Vì vậy, có thể coi rằng, sáp nhập là con đường “sống” gần như duy nhất của Western Bank hiện nay.
Ngân hàng sau hợp nhất sẽ sử dụng tất cả cán bộ công nhân viên hiện tại của PVFC và WesternBank vào ngày hợp nhất và Ngân hàng hợp nhất sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã được ký trước đây bởi và giữa PVFC và WesternBank với người lao động. Điều quan trọng là lao động của 2 bên sẽ không phải chịu bất kỳ sự thay đổi nào về điều kiện làm việc hoặc về mặt lợi ích theo mức độ cho phép của Pháp luật.
Ngoài ra, ngân hàng sau hợp nhất sẽ có nghĩa vụ phải đảm nhận tất cả những trách nhiệm đối với những hợp đồng/thỏa thuận mà PVFC, WesternBank là một bên trong đó. Tất nhiên, đó phải là những hợp đồng vẫn còn tiếp tục có hiệu lực sau ngày hợp nhất.
Theo kế hoạch, sau sáp nhập, ngân hàng mới sẽ có số vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, được duy trì trong 3 năm 2012, 2013, 2014 và sẽ được tiếp tục tăng lên 12.000 tỷ trong năm 2015.