Trước nguy cơ xâm nhập của virus H7N9 vào nước ta, điều cần thiết lúc này là ngoài việc kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng thì những người vận chuyển, kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc cũng cần cảnh tỉnh để không làm hại bản thân mình và đồng loại do có thể bị nhiễm virus này từ gia cầm.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng Trung Quốc, số người nhiễm virus cúm H7N9 phát hiện tại nước này đã tăng lên 21 người trong đó sáu người tử vong. Các ca cúm cũng nằm rải rác khắp Trung Quốc, sáu trường hợp ở Thượng Hải, bốn trường hợp ở Giang Tô, ba trường hợp ở Triết Giang và một trường hợp ở An Huy. Hiện, Trung Quốc cũng đã tìm thấy virus H7N9 trên chim bồ câu tại một khu chợ nông sản ở Thượng Hải.
Số chim bồ câu nhập lậu bị bắt giữ tại Quảng Ninh mang nhiều nguy cơ dịch bệnh.
Ông Đoàn Duy Ái, chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Ninh cho biết trước đây, nhiều đối tượng buôn lậu đã lấy lý do thu gom chim bồ câu từ các hộ dân để tới xin giấy kiểm dịch vận chuyển. Tuy nhiên, bằng việc xác minh rõ nguồn gốc mới cấp giấy, cơ quan thú y địa phương đã hạn chế cơ bản tình trạng buôn lậu bồ câu.
Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, ba tháng đầu năm 2013, đã bắt giữ và xử lý tới 276 vụ buôn lậu gia cầm, trong đó gà gần 48 tấn, giống gia cầm hơn 136.000 con, thịt vịt mổ sẵn hơn 12 tấn, 14 tấn phủ tạng cùng hàng chục nghìn quả trứng, chim bồ câu...
Trao đổi với báo giới, ông Phạm Văn Đông, cục trưởng Cục Thú y (bộ NN&PTNT) cho biết dù chưa phát hiện loại virus mới H7N9 xuất hiện ở nước ta, nhưng nguy cơ chúng xuất hiện là rất cao. Với việc xuất hiện loại virus mới H7N9 rất nguy hiểm, có thể gây chết người, nếu tiếp tục vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu, nguy cơ bị nhiễm loại bệnh này sẽ rất cao.
Đức Minh
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!