WHO đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thảo luận việc có quyết định coi bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không, khi căn bệnh này bắt đầu lan rộng ra nhiều nước trên thế giới ngoài châu Phi. Cuộc họp khẩn được tổ chức kín, triệu tập các chuyên gia của Ủy ban Khẩn cấp, sẽ diễn ra vào 12h ngày 23/6 tại Geneva (theo giờ địa phương, khoảng 5h ngày 24/6 theo giờ Việt Nam).
Thành phần tham dự là các chuyên gia từ những khu vực bị ảnh hưởng nhất. Họ sẽ đưa ra khuyến nghị với Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Sau đó, người đứng đầu WHO sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không.
Tại cuộc họp, hầu hết chuyên gia đều cho rằng bệnh đậu mùa khỉ đang bùng phát phù hợp với tiêu chí của WHO về định nghĩa tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Đây là một sự kiện đột ngột và bất thường lan rộng trên phạm vi quốc tế, cần có sự hợp tác xuyên quốc gia.
Tuy nhiên, theo trợ lý giáo sư y tế toàn cầu Clare Wenham, Trường Kinh tế London (Anh) WHO đang ở vị trí bấp bênh sau Covid-19.
"Nếu WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp và các quốc gia không hành động, điều đó có thể làm suy yếu vai trò của cơ quan này trong việc kiểm soát dịch bệnh toàn cầu. Dù làm hay không, họ cũng tiến thoái lưỡng nan", bà nói.
Nhấn mạnh tại cuộc họp, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo về sự "thiếu hiểu biết" và "không minh bạch, không chia sẻ thông tin" đáng lo ngại liên quan đến dịch đậu mùa khỉ. Những ý kiến của Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra nhằm xem xét liệu có nên công bố đậu mùa khỉ là một PHEIC, tức "Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm" hay không.
Cụ thể, một PHEIC điển hình trước đó chính là đại dịch Covid-19. Việc công bố một dịch bệnh là PHEIC sẽ có ảnh hưởng lớn đến các phản ứng quốc tế và yêu cầu đối với từng quốc gia thành viên liên quan đến căn bệnh đó.
Bên cạnh đó, giáo sư Emmanuel Nakoune, quyền Giám đốc Viện Pasteur ở Bangui, Cộng hòa Trung Phi, cho rằng: "Khi một căn bệnh ảnh hưởng đến các nước đang phát triển, nó dường như không phải là trường hợp khẩn cấp. Nó chỉ trở thành trường hợp khẩn cấp khi các nước phát triển bị ảnh hưởng".
Tuy nhiên, GS Nakoune nhận định, nếu WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho bệnh đậu mùa khỉ, đây vẫn là quyết định quan trọng.
Bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây như Covid-19 và có phương pháp điều trị. Nó không giống Covid-19 hồi mới xuất hiện. Nhưng, căn bệnh này vẫn dấy lên hồi chuông báo động.
Các chuyên gia từ WHO và các cơ quan y tế hàng đầu đã cho biết, đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ người sang người chủ yếu qua tiếp xúc da kề da, qua dịch tiết hay dịch từ bóng nước của bệnh nhân và lây yếu qua đường hô hấp. Vì vậy, tuy nguy cơ chung cho cộng đồng là thấp nhưng nguy cơ đối với những người chăm sóc y tế trực tiếp cho bệnh nhân là hiện hữu. Một số quốc gia đã triển khai tiêm phòng vắc-xin đậu mùa (ngừa cả đậu mùa khỉ) cho một số nhân viên y tế.
Trước đó, tại cuộc họp giao ban trực tuyến với các phóng viên ngày 22/6, quyền Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, ông Ahmed Ogwell Ouma, cho biết số ca bệnh đậu mùa khỉ và người tử vong trên lục địa này đã ở "mức khẩn cấp".
Đậu mùa khỉ xuất hiện ở châu Phi từ hàng chục năm trước, nhưng chỉ bắt đầu gây chú ý khi dịch lan ra các nước bên ngoài châu Phi từ tháng trước. Các nhà khoa học đến nay vẫn chưa phát hiện bất cứ biến chủng nào của virus cho thấy nó tăng khả năng lây lan.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, hiện có hơn 3.300 ca đậu mùa khỉ ở 42 quốc gia chưa từng hoặc không xuất hiện phổ biến loại virus này. Hơn 80% trong số đó là ở châu Âu. Trong khi đó, kể từ đầu năm, châu Phi ghi nhận hơn 1.400 ca, với 62 ca tử vong.
Virus gây bệnh đậu mùa khỉ gây ra các triệu chứng giống như cúm và các tổn thương trên da và lây lan khi tiếp xúc gần. WHO đánh giá, tỉ lệ tử vong của bệnh này khoảng 3-6% mặc dù đến nay chưa ghi nhận ca tử vong nào bên ngoài châu Phi.
Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ nào. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với WHO theo dõi sát diễn biến dịch bệnh để triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Cách phòng bệnh đậu mùa khỉ
Bạn có thể giảm nguy cơ bằng cách hạn chế tiếp xúc với người đã có nghi ngờ hoặc khẳng định mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Nếu bạn cần phải tiếp xúc vật lý với một người mắc bệnh đậu mùa khỉ vì là cán bộ y tế hoặc người sống cùng, hãy khuyến khích người nhiễm bệnh tự cách ly và che bất cứ vùng tổn thương da nào nếu có thể (ví dụ, bằng cách mặc quần áo che lên chỗ có ban). Khi bạn tiếp xúc gần với họ, họ cần đeo khẩu trang y tế, đặc biệt là nếu họ đang bị ho hoặc có tổn thương trong miệng. Bạn cần cũng đeo khẩu trang.
Tránh tiếp xúc da với da bất cứ khi nào có thể và sử dụng găng tay dùng một lần nếu bạn tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị tổn thương. Hãy đeo khẩu trang khi xử lý quần áo hoặc ga gối nếu người đó không thể tự làm được.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh, quần áo, ga giường, khăn và các vật dụng khác của họ hoặc các bề mặt mà họ đã tiếp xúc hoặc có khả năng đã tiếp xúc với nốt ban hay chất tiết đường hô hấp của họ (ví dụ, dụng cụ, bát đĩa).
Giặt quần áo, khăn và ga giường và dụng cụ ăn của người đó bằng nước ấm và bột giặt. Làm sạch và khử khuẩn bất cứ bề mặt nào đã bị nhiễm bẩn và tiêu hủy chất thải bị nhiễm bẩn (ví dụ, băng gạc) một cách phù hợp.
Trúc Chi (t/h Zing, Người Lao Động, Dân Trí)