"Chúng tôi hết sức phấn khởi về sự sụt giảm liên tục số ca tử vong do Covid-19 được ghi nhận, theo đó giảm 95% kể từ đầu năm", AFP dẫn lời Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại họp báo.
Tuy nhiên, theo WHO, đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc và các quốc gia phải học cách ứng phó với những tác động "không khẩn cấp" đang diễn ra, trong đó có tình trạng hậu Covid-19 hoặc hội chứng "Covid kéo dài" (long Covid).
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ước tính cứ 10 người mắc Covid-19 thì có 1 trường hợp bị "Covid kéo dài", điều này cho thấy hàng trăm triệu người cần được chăm sóc lâu hơn.
Theo Vietnam+, ông Tedros nhấn mạnh, dù số ca tử vong do Covid-19 được báo cáo đã giảm 95% kể từ đầu năm đến nay nhưng một số quốc gia đang ghi nhận số người không qua khỏi vì căn bệnh này gia tăng và trong 4 tuần qua đã có 14.000 người tử vong.
Tổng Giám đốc WHO cho biết, tổ chức này vẫn hy vọng có thể tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế cộng đồng khẩn cấp gây lo ngại trên toàn cầu (PHEIC) đối với dịch Covid-19, mức cảnh báo cao nhất mà cơ quan y tế của Liên hợp quốc đưa ra với một dịch bệnh.
Dự kiến, ủy ban cố vấn cho ông Tedros về tình trạng PHEIC sẽ nhóm họp định kỳ theo quý vào tháng 5 tới. Mặc dù vậy, ông Tedros cho rằng vi rút vẫn tồn tại và tất cả các quốc gia cần học cách ứng phó với dịch bệnh này cùng với những bệnh truyền nhiễm khác.
Người đứng đầu WHO cũng cho rằng đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các chương trình tiêm chủng, ước tính 67 triệu trẻ em bị bỏ lỡ ít nhất 1 mũi tiêm thiết yếu trong giai đoạn 2019-2021. Theo ông Tedros, tỷ lệ tiêm chủng đang quay trở lại mức năm 2008 dẫn đến sự bùng phát dịch sởi, bạch hầu, bại liệt và sốt vàng da. Ông nhấn mạnh tất cả các quốc gia phải giải quyết "những rào cản đối với tiêm chủng cho dù đó là khả năng tiếp cận, sự sẵn có, chi phí hay thông tin sai lệch".
Trong khi đó, báo Thanh Niên thông tin, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, cho biết các biến thể phụ XBB đang chiếm phần lớn các ca mắc mới trên toàn cầu.
Nhóm biến thể này có năng lực lây nhiễm cao hơn Omicron và lách được hàng rào miễn dịch. Điều đó có nghĩa là người đã mắc bệnh hoặc tiêm vắc-xin vẫn có nguy cơ tái nhiễm biến thể mới.
Bà Van Kerkhove kêu gọi các nước tăng cường hoạt động rà soát thông qua xét nghiệm để có thể theo dõi hiệu quả làn sóng dịch và hiểu được từng đột biến sẽ mang đến ảnh hưởng như thế nào.
Thông tin thu được sẽ góp phần điều chỉnh chiến lược vắc-xin và cho phép các chính phủ có quyết định chính xác hơn trong việc xử lý dịch bệnh.
Minh Hoa (t/h)