Thông báo trên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra sau khi 2 bệnh nhân sống ở vùng Ashanti, phía nam của Ghana, tử vong và có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Marburg. 90 người tiếp xúc với các bệnh nhân đang được theo dõi.
Theo CNN, Marburg là một dạng bệnh sốt xuất huyết do virus có khả năng lây nhiễm cao cùng họ với bệnh do virus Ebola và có tỉ lệ tử vong lên tới 88%. Triệu chứng của bệnh bao gồm đau đầu, sốt, đau mỏi cơ, nôn ra máu và xuất huyết.
Virus được truyền từ dơi ăn quả sang người. Sau đó, virus lây từ người sang người thông qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể của bệnh nhân hoặc các bề mặt nhiễm chất dịch.
Cơ quan y tế toàn cầu cho biết đang thực hiện các biện pháp ngăn chặn và sẽ triển khai nhiều nguồn lực hơn để đối phó với sự bùng phát ở Ghana. WHO cũng cảnh báo “nếu không có hành động ngay lập tức và dứt khoát, Marburg có thể dễ dàng vượt qua tầm kiểm soát”.
Hiện các nước chưa phê duyệt chính thức vắc-xin hoặc phương pháp điều trị kháng virus Marburg. Tuy nhiên, các bác sĩ nhận định việc uống nhiều nước và chữa trị triệu chứng bệnh sẽ giúp bệnh nhân tăng tỉ lệ sống sót.
Cơ quan Y tế Ghana đã khuyến cáo người dân tránh các hầm mỏ và hang động là nơi dơi ăn quả sinh sống. Mọi người cũng cần nấu chín các món chế biến từ thịt để giảm nguy cơ lây lan virus.
Sự xuất hiện của virus Marburg ở Ghana là đợt bùng phát thứ hai ở Tây Phi sau Guinea vào năm ngoái. Một bệnh nhân ở Guinea cũng chết vì virus. Cơ quan y tế Guinea không xác nhận thêm trường hợp nào khác.
Đợt bùng phát dịch Marburg đầu tiên trên thế giới được ghi nhận năm 1967 tại Đức, khiến 7 người thiệt mạng. Trong khi đó, những đợt bùng phát trước đây ở châu Phi đã được ghi nhận ở Uganda, Kenya, Angola, Nam Phi và Cộng hòa Dân chủ Congo. Năm 2005, ở Angola đã có hơn 200 người tử vong vì virus Marburg.
Theo WHO, các quốc gia có nguy cơ bùng phát virus cao hơn đã được cảnh báo.
Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, Zing)