Người yêu thích phim ảnh chắc hẳn sẽ nhớ lại: Những con chuột này thật sự đã từ boong tàu của chiếc thuyền tử thần không người lái chạy vụt vào khu phố cổ tối tăm đầy sương mù của Wismar để lan truyền dịch hạch. Thành phố Wismar, “Wisborg” trong phim, là nơi quay chính của phim câm kinh điển “Nosferatu. Eine Symphonie des Grauens” (Nosferatu. Bản nhạc giao hưởng của kinh dị) của đạo diễn Friedrich Wilhelm Murnau (1888-1931).
Cảng cũ của Wismar. Ảnh: Thinkstock
Ngày nay, Wismar trông vẫn còn một ít ma quái vào lúc có sương mù, nhưng khi có ánh nắng thì khu phố cổ nhỏ bé nhiều màu sắc, từ năm 2002 là di sản thế giới của UNESCO, có bộ mặt thân thiện hơn rất nhiều. Tất cả vẫn còn đó: “Cổng Nước” với đầu hồi cuối thời Gothic, nơi Nosferatu vào thành phố với chiếc quan tài, chiếc tháp của Nhà thờ Đức Bà và nơi họp chợ mà trong phim của Murnau Mặt Trời đã êm đềm nằm trên những mái nhà đầu hồi ở đó cho đến khi cái chết xuất hiện.
Chiếc tháp cao 80 mét của Nhà thờ Đức Bà Wismar. Ảnh: Susanna Bloß
Murnau đã từ chiếc tháp Gothic cao 80 m của nhà thờ Đức Bà để nhìn xuống nơi họp chợ. Rất tiếc là gian chính của Nhà thờ Đức Bà, một trong số các nhà thờ bằng gạch nung đẹp nhất trong miền Bắc Đức, đã bị giật sập năm 1960 do chiến tranh gây hư hại không thể sửa lại được. Vào lúc chiều tối, khi mặt tiền của những căn nhà có đầu hồi giống như hậu trường được chiếu sáng rất nghệ thuật, nơi này đẹp như tranh vẽ. Vẫn còn bảo toàn được nguyên thủy là ngôi nhà gạch nung xây năm 1380 ở mặt đông: Nhà hàng khách sạn “Alter Schwede” (“Người Thụy Điển Xưa”) ở bên trong có từ năm 1878.
Không một thành phố Đức nào khác lại thuộc về một quốc gia không nói tiếng Đức lâu như Wismar. Người Thụy Điển tiến vào thành phố năm 1632, mãi đến năm 1903 Wismar cuối cùng mới hoàn toàn thuộc về Mecklenburg, mặc dù đã được thế chấp về cho Mecklenburg 100 năm trước đó.
Trong thế kỷ 17 và 18, thành phố đã đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống quân sự của cường quốc Thụy Điển. Do có vị trí chiến lược thuận lợi, Wismar đã được xây dựng trở thành một trong số các pháo đài lớn nhất trong vùng biển Baltic. Kho vũ khí Baroque đồ sộ là một minh chứng cho thời kỳ này, do người Thụy Điển Erik Dahlberg (1625-1703) xây dựng. Kết cấu trần không cần cột chống này là một thành tích kỹ sư bậc thầy. Là thư viện thành phố, ngày nay kho vũ khí phục vụ cho mục đích hòa bình.
Cho đến nay khách du lịch Thụy Điển vẫn thích thăm viếng Wismar để lần tìm về dấu vết cũ – và tất nhiên là cũng để cùng người dân thành phố chào mừng Lễ Thụy Điển hằng năm.
Cùng với 2 đảo Walfisch và Poel nằm trước đó, cảng cũ của Wismar là một trong những cảng an toàn nhất của bờ biển Baltic: Đó là lý do mà từ 1259 Wismar, thành viên của liên kết tay ba với Lübeck và Rostock, đã vươn lên trở thành một trong những thành phố hùng mạnh nhất của Liên minh Hanse.
Thế kỷ 14 là thời kỳ nở rộ của Wismar. Cá, gia vị, lông thú, gỗ và rượu vang miền nam đã được chuyển tải ở đây – và tất nhiên là cả bia Wismar nữa. Thời đấy cả nửa châu Âu thích uống bia này đến độ người Lübeck đã có thời gian cấm bán để bảo vệ cho bia của họ. Những người nấu bia là những người giàu có nhất trong thành phố thời đấy. Vào giữa thế kỷ 15 có đến gần 200 nơi nấu bia trong Wismar. Khi Liên minh Hanse bắt đầu suy sụp trong thế kỷ 16, thành phố bắt đầu mất đi tầm quan trọng và với cuộc Chiến tranh 30 năm (1618-1648) thời rực rỡ của Wismar đã thuộc về quá khứ.
Nhà hàng khách sạn "Thụy Điển xưa". Ảnh: Fotocommunity.
Ngày nay người ta có thể ăn nhậu tại cảng Wismar trước hậu trường lịch sử của những ngôi nhà kho, trong nhà hàng hay quán rượu, hay đi dạo chơi bằng thuyền du lịch và tàu chạy bằng hơi nước. Đi đâu cũng nhìn thấy Nhà thờ Thánh Nicholas bằng gạch nung cuối thời Gothic, là nhà thờ duy nhất trong số ba nhà thờ lớn thời Trung cổ của Wismar không bị Đệ nhị thế chiến gây hư hại. Nhà thờ này là nhà thờ của những người đi biển và đánh cá, thuộc vào trong số những nhà thờ lớn nhất tại Trung Âu. Gian trong cao 37 m là một hòn ngọc của kiến trúc Gothic gạch nung ở Bắc Đức. Người ta đã dùng khoảng 3 triệu viên gạch để xây Nhà thờ Thánh Nicholas. Thế nhưng bệ thờ có nhiều điêu khắc trang trí từ năm 1430 thật ra là của Nhà thờ Thánh George còn lớn hơn nữa mà đang được xây lại từ nhiều năm nay.
Người hâm mộ Murnau tất nhiên là nhận ra ngay Nhà thờ Thánh Nicholas: Là nền trong cảnh chiếc tàu không người lái. Nhưng cảm ơn Trời là những con tàu mang dịch hạch chỉ thả neo ở đây trong phim mà thôi.
Phan Ba