Một giải đấu kỳ lạ
World Cup 2002 đánh dấu nhiều cột mốc đáng nhớ. Đây là kỳ World Cup đầu tiên của thế kỷ 21, lần đầu được tổ chức bên ngoài châu Âu và châu Mỹ và cũng là lần đầu được đồng tổ chức bởi hai quốc gia.
Trước giải, Argentina và Pháp là hai đội được đánh giá cao nhất nhờ nhiều yếu tố. Họ đều có phong độ ấn tượng và sở hữu dàn siêu sao thượng hạng. Tuy nhiên, kết quả là cả 2 đội đều về nước ngay sau vòng bảng.
Nhà ĐKVĐ Pháp đứng bét bảng A với việc không thắng nổi 1 trận hòa. Họ thua Senegal 0-1 ngày ra quân, hòa 0-0 trước Uruguay trước khi thua 0-2 trước Đan Mạch. Les Bleus không ghi nổi 1 bàn nào dù sở hữu Vua phá lưới của 3 giải hàng đầu châu Âu năm đó là Thierry Henry, Djibril Cisse và David Trezeguet (lần lượt là Vua phá lưới của Ngoại hạng Anh, Ligue 1 và Serie A mùa giải 2001-2002).
Không tệ như Pháp nhưng ở bảng F, Argentina cũng thất bại trong việc đi tiếp. Argentina mở màn bằng chiến thắng 1-0 trước Nigeria, nhưng sau đó thua Anh 0-1 và hòa 1-1 trước Thụy Điển. Albiceleste đứng thứ 3 vố 4 điểm và cay đắng nhìn Anh cùng Thụy Điển đi tiếp. Sau giải đấu, chân sút hay nhất lịch sử tuyển Argentina lúc bấy giờ là Batistuta tuyên bố giã từ đội tuyển quốc gia.
Ứng cử viên vô địch còn lại là Italy của HLV Giovanni Trapattoni. Đội quân với những ngôi sao như Paolo Maldini, Gianluigi Buffon, Francesco Totti, Alessandro Del Piero hay Fabio Cannavaro... cũng sớm rời giải, nhưng theo một cách vô cùng cay đắng.
Họ vượt qua vòng bảng và chạm trán chủ nhà Hàn Quốc tại vòng 1/8. Đội quân Thiên thanh dẫn trước trong phần lớn thời gian trận đấu với bàn thắng của Christian Vieri, song bàn gỡ 1-1 ở phút 88 của Seol Ki-hyeon đưa trận đấu bước sang hiệp phụ. Phút thứ 118, tiền đạo Ahn Jung-hwan khiến cả sân Daejeon như muốn vỡ oà trong hạnh phúc với bàn thắng vàng vào lưới Buffon.
Sẽ không có gì đáng nói về thất bại của Italy nếu họ không bị xử ép trong nhiều tình huống, từ thẻ đỏ oan uổng của Totti cho tới bàn thắng hợp lệ không được công nhận của Damiano Tommasi. Dư luận Italy phẫn nộ, gọi trọng tài người Ecuador Byron Moreno là "kẻ cắp", còn Chủ tịch Luciano Gaucci của Perugia tuyên bố huỷ hợp đồng với Ahn Jung-hwan, người ông gọi là "kẻ đã huỷ hoại bóng đá Italy".
Brazil vô địch theo cách khác lạ
Đội hình Brazil tham dự World Cup 2002 là sự kết hợp hoàn hảo giữa hàng công nghệ sỹ và hàng thủ công nhân.
Nếu như tam tấu 3R ở phía trên là những ngôi sao tấn công thượng thặng với kỹ thuật thượng thừa và sự sáng tạo không giới hạn thì hàng tiền vệ và hàng thủ lại mang tới sự chắc chắn vô cùng kiên cố.
Bộ ba trung vệ Lucio-Elmilson-Roque Junior án ngữ trước khung thành Marcos, tạo điều kiện cho hai hậu vệ cánh có thiên hướng tấn công Carlos và Cafu thường xuyên dâng cao, hỗ trợ tuyến trên.
Ở giữa sân, Gilberto Silva và Kleberson giữ vai trò đánh chặn, cầm nhịp và cung cấp bóng cho tuyến trên. Ronaldinho là người chơi thấp nhất trong bộ 3R, tiếp đó lần lượt là Rivaldo và Ronaldo.
Với sự kết hợp hoàn hảo như vậy, Brazil tiến thẳng một mạch tới ngai vàng và có lần thứ năm lên đỉnh thế giới.
Từ một đội bóng chỉ giành vé dự World Cup trong lượt đấu loại cuối cùng, Brazil trở thành nhà vô địch tuyệt đối với kỷ lục về số trận thắng tại một kỳ World Cup.
Và Scolari thành công nhờ kiên định trên con đường của ông, dù có lúc phải tuyên chiến với cả đất nước.
Niềm tự hào châu Á
Cả hai đội chủ nhà của VCK World Cup 2002 đều đã có một giải đấu thành công. Từ vòng bảng, Hàn Quốc đã gây bất ngờ khi đánh bại Bồ Đào Nha của Luis Figo và Rui Costa để đi tiếp với ngôi đầu bảng.
Tuy nhiên, không nhiều người tin rằng nước đồng chủ nhà sẽ làm nên điều kỳ diệu trước ứng cử viên vô địch Italy. Nhưng cuoosu cùng đoàn quân của Guus Hiddink đã vượt qua Azzurri dù còn nhiều tranh cãi.
Hàn Quốc vào tứ kết, nơi họ tiếp tục đánh bại một đội bóng mạnh khác là Tây Ban Nha với những quyết định gây tranh cãi khác. Hành trình khó tin của Hàn Quốc chỉ dừng lại ở bán kết, nơi bàn thắng duy nhất của Michael Ballack giúp Đức vào trận chung kết. Hàn Quốc tiếp tục thua 2-3 trước ngựa ô Thổ Nhĩ Kỳ trong trận tranh giải Ba.
Dù sao, đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử có một đội bóng ngoài châu Âu và châu Mỹ lọt vào bán kết World Cup. HLV Guus Hiddink được suy tôn như một người hùng tại Hàn Quốc.
Đội chủ nhà còn lại là Nhật Bản cũng đã thi đấu đầy ấn tượng. Họ đứng đầu bảng H với 7 điểm sau 3 trận. Đầu tiên là trận hòa 2-2 với Bỉ ngày ra quân. Sau đó là chiến thắng 1-0 trước Nga và 2-0 trước Tunisia.
Tại vòng 1/8, Nhật Bản đã thi đấu đầy kiên cường nhưng không thể vượt qua Thổ Nhĩ Kỳ, đội bóng sau đó đã giành hạng Ba chung cuộc.
Dù không tiến xa như Hàn Quốc nhưng Nhật Bản cũng đã có một giải đấu đầy ấn tượng và chứng tỏ bước tiến của họ sau khi ghi dấu tại Pháp năm 1998.
Đăng Nguyên